(ĐN)- Ngày 11-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm...
(ĐN)- Ngày 11-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị tại Hà Nội |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 2 năm qua, các cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ, với 42 bị can vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý dứt điểm các vấn đề nóng, gây bức xúc trong nhân dân như: sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Từ đầu năm 2017 đã không còn phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol; tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh cũng giảm mạnh. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2 ngàn người mắc, trong đó có hơn 1,9 ngàn người phải nhập viện và 8 trường hợp tử vong (đều giảm so với năm 2018).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả mà các bộ, ngành chức năng đã đạt được trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Phó chủ tịch Nguyễn Hòa hiệp chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đồng Nai |
Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng sản xuất, phân phối rượu chất lượng kém vẫn còn nhiều; trên 8 triệu hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, khó kiểm soát; thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt còn nhiều; thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn còn được vận chuyển qua biên giới; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm xảy ra tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp luật về an toàn thực phẩm đã có, nhưng còn nhiều sơ hở, bất cập…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Do đó, cần tuyên chiến, lên án mạnh mẽ việc sản xuất, lưu hành sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền rộng rãi để người dân biết được những mô hình tốt về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, kiểm tra, xử lý thực phẩm theo chuỗi. Những điểm nào trong luật về an toàn thực phẩm chưa phù hợp, các cơ quan chức năng cần đề xuất để sớm sửa chữa, nhằm đem lại hiệu quả quản lý cao nhất.
Hạnh Dung