Ngày 3-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch bệnh Covid-19.
Ngày 3-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020 Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhờ tinh thần chủ động, quyết liệt, hiệu quả, “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt kết quả đáng mừng. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và du khách đến Việt Nam. Việt Nam đã bình tĩnh, tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề, chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng, tình huống ứng phó. Chính vì vậy, tình hình dịch bệnh gây ra tại Việt Nam được giảm thiểu dù Việt Nam là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc. Thành tích này được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhìn nhận, do sự bùng phát của dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 gây tác động nặng nề đến ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là chuỗi giá trị, sự đứt gãy tuyến cung cấp nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng đánh giá, mặc dù trong khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 vẫn cơ bản giữ ổn định. CPI giảm, thu ngân sách tăng. Các khoản chi phục vụ chống dịch được đảm bảo kịp thời. Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, đề xuất và thống nhất các giải pháp kỹ thuật về tài chính, ngân hàng và các biện pháp khác để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định. Giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm. CPI tháng 2-2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%...
TTXVN