Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo

11:07, 09/07/2020

(ĐN)- Sáng 9-7, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà...

(ĐN)- Sáng 9-7, tại TP.HCM, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà.

Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM ngày 9-7
Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM ngày 9-7

Theo Bộ Công thương, hệ thống lưới điện Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt; phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều, gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam; tác động về biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…

Từ thực tế này, việc phát triển nguồn NLTT (chủ yếu điện mặt trời áp mái, điện gió) sẽ góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo; tận dụng được không gian mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu - cụm công nghiệp; giảm bớt áp lực nguồn cung, đầu tư hạ tầng cho hệ thống điện quốc gia (riêng điện mặt trời mái nhà không phải đầu tư hệ thống truyền tải); gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng cho đất nước; mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư nhờ nguồn điện bán lại; hạn chế hiệu ứng nhà kính từ các mái nhà.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn NLTT cũng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và nâng lên 25-30% vào năm 2045.

Doanh nghiệp giới thiệu các vật liệu xây dựng phát năng lượng bên lề hội thảo
Doanh nghiệp giới thiệu các vật liệu xây dựng phát năng lượng bên lề hội thảo

Tính đến nay, cả nước đã phát triển được 5,5 ngàn MW điện NLTT, trong đó có 5 ngàn MW điện mặt trời đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt 4,5 ngàn MW. Có trên 31,5 ngàn dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất gần 658MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Riêng Đồng Nai, đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có trên 2,1 ngàn khách hàng lắp đặt với tổng công suất trên 43,8 ngàn kWp, trong đó có 1,8 ngàn khách hàng hộ gia đình. Tổng sản lượng điện mặt trời phát lên lưới gần 12 triệu kWh.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như: cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà; cơ chế đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin và ảnh: Hoàng Lộc

Tin xem nhiều