Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

06:08, 19/08/2020

Những ngày gần cuối tháng 7, Đà Nẵng 'nóng' khi xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên sau 100 ngày cả nước không ghi nhận ca nhiễm ở cộng đồng...

Những ngày gần cuối tháng 7, Đà Nẵng 'nóng' khi xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên sau 100 ngày cả nước không ghi nhận ca nhiễm ở cộng đồng.

Kỹ thuật viên Linh Đa làm việc trong phòng tách chiết virus tại Khoa Vi sinh, BVĐK Thống Nhất
Kỹ thuật viên Linh Đa làm việc trong phòng tách chiết virus tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất

Cũng từ đây, nhân viên y tế và nhiều lực lượng khác của các địa phương vào cuộc quyết liệt, làm việc không kể ngày đêm để ngăn dịch.

* Hướng về tâm dịch

Ngay khi ghi nhận ca nhiễm ở Đà Nẵng, khắp nơi trong cả nước tái khởi động công cuộc dập dịch Covid-19 tại cộng đồng. Các ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng dần từng ngày. Từ Đà Nẵng, dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng đến một số tỉnh, thành khác trên cả nước. Đồng Nai cũng ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 từ ổ dịch Đà Nẵng.

Theo TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, trong những ngày qua, khi cả nước hướng về tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam, thì Đồng Nai cũng không ngoại lệ. Dù Đồng Nai chưa nhận được công văn đề nghị hỗ trợ của Đà Nẵng, nhưng Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Ngày 7-8, UBND tỉnh đã ký quyết định chi 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho TP. Đà Nẵng và Quảng Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã có văn bản huy động các giảng viên, sinh viên năm cuối tình nguyện tham gia phòng, chống dịch. Thầy Nguyễn Quốc Huy, Phòng quản lý đào tạo - Trường Cao đẳng Y tế tỉnh cho hay, 62 giảng viên và sinh viên năm cuối của trường đã tham gia lực lượng tình nguyện chống dịch này. Bản thân thầy Huy cũng là 1 trong 5 giảng viên của trường tham gia đội ngũ tình nguyện.

“Dù làm công tác giảng dạy nhưng tôi vẫn là một bác sĩ. Khi có dịch bệnh xảy ra, nếu mình không ra tuyến đầu làm việc thì ai sẽ làm? Tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi này và cũng là lời thuyết phục gia đình khi tôi quyết định tham gia chống dịch” - thầy Huy chia sẻ.

Trước khi tham gia vào đội tình nguyện này, thầy Huy đã nằm trong đội ngũ những người phục vụ khu cách ly tại ký túc xá của trường. Để đảm bảo an toàn, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã tổ chức tập huấn cho tất cả những người tham gia đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và Bộ Y tế. “Chỉ cần có “hiệu lệnh”, chúng tôi sẵn sàng vào tâm dịch ở bất cứ đâu để làm nhiệm vụ” – thầy Huy tâm sự.

* Trắng đêm tìm F1, F2

Dịch Covid-19 quay trở lại tại Đà Nẵng vào ngày 25-7. Một ngày sau, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức cách ly tại nhà cho những người đi từ Đà Nẵng hoặc các nơi có dịch trở về.

Từ đó đến ngày 16-8, toàn tỉnh thực hiện điều tra, quản lý và cách ly tập trung cho 173 người và cách ly tại nhà 6.535 người có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng. Đồng Nai cũng ghi nhận 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đi về từ Đà Nẵng. Hơn 400 ca F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 595 và 669 đã được cách ly và làm xét nghiệm; khu dân cư - nơi 2 bệnh nhân 595 và 669 sinh sống cũng được phong tỏa ngay sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. 

“Ngoài ra, Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai – nơi bệnh nhân 669 làm việc cũng đã thực hiện phong tỏa từ khi bệnh nhân này chưa công bố mắc bệnh. Chúng tôi luôn làm cao hơn 1 mức so với quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho người dân” – BS. Vũ nhấn mạnh.

Dỡ bỏ phong tỏa khu dân cư đường Hồ Văn Đại
Khu dân cư đường Hồ Văn Đại được dỡ bỏ phong tỏa

Đến nay thì bệnh nhân 595 đã xuất viện; bệnh nhân 669 (chồng của bệnh nhân 595) cũng đã âm tính lần 1 sau 7 lần xét nghiệm dương tính liên tục từ ngày 3-8; đường Hồ Văn Đại (KP3, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) - nơi cư ngụ của vợ chồng bệnh nhân 595 và 669 - cũng đã chính thức được dỡ bỏ phong tỏa sau khi toàn bộ người dân và những người phục vụ khu phong tỏa đều có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 - tất cả mọi người đều rất vui mừng.

Lực lượng tổng hợp

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch là lực lượng tổng hợp. Điều tra một trường hợp có nguy cơ hoặc nghi ngờ mắc SARS-CoV-2 để đưa về cách ly tập trung hay cách ly tại chỗ là sự phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương như: ngành Y tế, UBND phường/xã, đoàn thanh niên, phụ nữ, công an…

Mỗi huyện, thành phố có đến hàng trăm trường hợp phải cách ly tại nhà, cả ngành Y tế và chính quyền các địa phương trong tỉnh phải làm việc cật lực. BS. Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, ngay khi Đồng Nai ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại TP. Biên Hòa (bệnh nhân 595), công tác rà soát, điều tra các ca tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc với những người tiếp xúc gần (F2) được thực hiện ráo riết.

Bệnh nhân 669 có mối quan hệ rộng, đối tác làm việc cũng rất nhiều. Do đó, công tác rà soát, điều tra các ca F1, F2 rất khó khăn. Các trường hợp F1 là: 61 trường hợp, F2 là 305 trường hợp. “Để đảm bảo yếu tố dịch tễ, tất cả các trường hợp F1, F2 có nguy cơ cao đều được đưa đi cách ly tập trung. Còn các ca F2 được cách ly tại nhà, thậm chí là phong tỏa Khoa Ung bướu của BVĐK Đồng Nai. Tất cả các ca F1, F2 đều được xét nghiệm và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Đến nay, tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2” – BS. Phúc cho hay.

BS. Phúc tâm sự: “Khi ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, tôi cùng nhiều đồng nghiệp khác làm việc trong trạng thái “chạy đua với thời gian”, đêm cũng như ngày, để làm hết việc mình cần làm. Nhiều đêm chúng tôi không ngủ nhưng sáng hôm sau vẫn phải làm việc bình thường để xác định hết các trường hợp có sự tiếp xúc gần, tiếp xúc xa với bệnh nhân và tiến hành cách ly phù hợp”. Trong đợt dịch này, toàn bộ hơn 10 người của khoa Bệnh truyền nhiễm đều ra “tiền tuyến” chống dịch.

* Huy động nhiều nguồn lực chống dịch

Song song đó, công tác xét nghiệm cũng được thực hiện quyết liệt. Nhân viên 3 khu xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phải làm việc nhiều đêm không ngủ. 9 năm gắn bó với công việc xét nghiệm, nhưng năm nay có nhiều sự thay đổi với kỹ thuật viên Lưu Trần Linh Đa, khoa Vi sinh, BVĐK Thống Nhất. Công việc này buộc những kỹ thuật viên như chị Linh Đa phải tiếp xúc với nhiều loại virus khác nhau. Do đó, họ luôn phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân suốt nhiều giờ liền trong phòng tách chiết virus.

Kỹ thuật viên Linh Đa chia sẻ: “Khi Đồng Nai ghi nhận những ca dương tính, tôi và các đồng nghiệp làm việc áp lực hơn. Nhiều ngày chúng tôi phải làm đến 2 giờ sáng để chạy mẫu xét nghiệm. Virus SARS-CoV-2 là loại virus mới nên tôi cũng căng thẳng hơn khi phải làm việc nhiều giờ liền trong phòng tách chiết. Nhưng việc bảo hộ kỹ cũng giúp chúng tôi an tâm hơn”.

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm, tuyến đầu chống dịch được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là những người đi vào điều tra các ổ dịch khi có ca bệnh hoặc nghi ngờ, chủ yếu là cán bộ y tế hệ dự phòng từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã, phường. Nhóm 2 là những người quản lý, theo dõi, chăm sóc những người mắc bệnh; ca nghi ngờ ở các khu cách ly tập trung tại bệnh viện hoặc các khu cách ly tập trung. Nhóm 3 là những người điều tra cộng đồng.

“Mỗi nhóm với những nhiệm vụ riêng và đều phải đối mặt với khó khăn riêng. Nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của cộng đồng xã hội về cả vật chất (ủng hộ sữa, đường, nhu yếu phẩm khác…), lẫn tinh thần đã giúp chúng tôi có thêm tinh thần “chiến đấu” với dịch bệnh” – BS. Bình nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Bích Nhàn

Tin xem nhiều