(ĐN)- Sáng 1-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12).
(ĐN)- Sáng 1-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12). Tham dự có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Lãnh đạo Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai |
Thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày, thế giới ghi nhận khoảng 5 ngàn ca nhiễm HIV mới.
Ở Việt Nam, kể từ năm 1990, khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện, công tác phòng chống HIV/AIDS luôn được đặc biệt quan tâm. Thời điểm cách đây 13 năm, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng hơn 30 ngàn trường hợp nhiễm HIV, 10 ngàn trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì đến nay, các con số là 10 ngàn trường hợp và 2 ngàn trường hợp.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200 ngàn người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam được Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đánh giá là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, có được những kết quả trên phải kể đến sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, dự án quốc tế, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, hiện vẫn còn khoảng 40 ngàn người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm bệnh của mình. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Do đó, từ trung ương đến địa phương không được phép chủ quan, lơ là. Dịch bệnh HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư, can thiệp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển của địa phương. Ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc điều trị HIV, đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS, tăng cường bao phủ BHYT cho người nhiễm và đẩy mạnh truyền thông, tránh kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/ AIDS. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS.
Dịp này, các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS đã được khen thưởng.
Hạnh Dung