Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án xây dựng đường cao tốc

10:06, 17/06/2021

(ĐN) - Ngày 16-6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

 

(ĐN) - Ngày 16-6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn đất san lấp phục vụ đắp nền đường có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn đất san lấp phục vụ đắp nền đường có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Theo đó, sau khi nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ TN-MT, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã trao đổi, thảo luận và thống nhất quyết nghị:

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù” sau: được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc; đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Khi thực hiện “cơ chế đặc thù” nêu trên, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm: đối với trường hợp nâng công suất, chỉ cho phép nâng công suất (đối với dự án đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác) khi hoạt động khai thác đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần.

Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định địa chỉ sử dụng khoáng sản là nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần đường cao tốc; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật; đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định; cấp phép khai thác phải bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng-an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc dự án đường cao tốc.

Cùng với đó, Nghị quyết cũng quy định việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông; không cấp phép khai thác mới đối với các mỏ nằm gần hành lang bảo vệ đường có ảnh hưởng đến cảnh quan và an toàn giao thông đối với đường cao tốc; kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế… Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bán vật liệu cho tổ chức, cá nhân khác hoặc không cung cấp khoáng sản làm VLXDTT cho nhà đầu tư/nhà thầu đã ghi trong giấy phép đồng thời thu hồi giấy phép đã cấp để cấp cho nhà đầu tư/nhà thầu theo quy định.

Theo Nghị quyết, quyết định dừng áp dụng “cơ chế đặc thù” sẽ được thực hiện sau khi đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho dự án đường cao tốc.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều