Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 và 5 năm 2021-2025

08:07, 25/07/2021

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, ngày 25-7, Quốc hội khóa XV làm việc cả ngày tại hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ...

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, ngày 25-7, Quốc hội khóa XV làm việc cả ngày tại hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

Quang cảnh phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội tại hội trường ngày 25-7
Quang cảnh phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội tại hội trường ngày 25-7

Đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức thành công như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, việc kiện toàn bộ máy Nhà nước được nhân dân đánh giá cao. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ và giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế. Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua, nhiều đại biểu ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời cho rằng sự hợp tác, đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc chấp hành các quy định của cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay như: việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch... đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nhà nước rất thấp, việc cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng, năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, giải ngân các gói hỗ trợ đạt thấp, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ, một số người dân còn gặp khó khăn trong việc làm và đời sống…

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm để thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết, thống nhất áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” giữa các cơ quan, địa phương; đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhằm hạn chế những vướng mắc, lúng túng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Các đại biểu cũng quan tâm, cho ý kiến về những nội dung liên quan đến công tác tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, bảo đảm sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần duy trì, phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề về giải pháp tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Hôm nay 26-7, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (từ ngày 26 đến 28-7). Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ hai, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Quốc hội cũng sẽ quyết định cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán TAND tối cao…

Theo quochoi.vn, TTXVN

Tin xem nhiều