(ĐN)- Chiều 22-7, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành về các nội dung đề nghị của Đoàn công tác Bộ Y tế về việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
(ĐN)- Chiều 22-7, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành về các nội dung đề nghị của Đoàn công tác Bộ Y tế về việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thành |
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã nêu một số kiến nghị đối với tỉnh Đồng Nai. Trong đó có việc chủ động hơn nữa phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống dịch Covid-19, bổ sung các trang thiết bị y tế; khẩn trương tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho người lao động và công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; đảm bảo công tác xử lý rác thải trong khu cách ly tập trung…
Theo Sở Y tế, tính đến sáng 22-7, Đồng Nai đã ghi nhận 1.792 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư. Toàn tỉnh đang tập trung tầm soát diện rộng để phát hiện các ca F0 trong cộng đồng. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vắc xin để tiêm cho người dân và doanh nghiệp. Đối với đề nghị của đoàn công tác Bộ Y tế về việc phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch, Sở Y tế cho biết trong ngày hôm nay, bệnh viện dã chiến số 6 tại KTX Đại học Đồng Nai với quy mô 1.200 giường chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng công suất điều trị bệnh nhân của tỉnh lên 4.000 giường. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục khảo sát để mở thêm các bệnh viện dã chiến. Hiện nay, năng lực xét nghiệm của tỉnh là 5.000 mẫu đơn/1 ngày và sẽ được nâng lên trong thời gian tới thông qua việc huy động thêm máy móc, thiết bị cũng như kết nối với các đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên, trang thiết bị y tế sẽ thiếu nếu số ca bệnh tiếp tục tăng cao.
Đối với yêu cầu bố trí lưu trú tập trung cho người lao động tại doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện một trong hai phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Đến nay, Ban quản lý đã chấp thuận cho 865 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Đối với việc tổ chức xét nghiệm cho 100% người lao động, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện nhưng tiến độ còn chậm do nhu cầu đang quá cao.
Về công tác xử lý rác thải trong khu cách ly, Sở TN-MT đã làm việc với các địa phương để tổ chức phân loại rác. Công suất xử lý chất thải y tế và rác thải thông thường của tỉnh đang đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiện nay, Sở Thông tin – truyền thông đang phối hợp với Sở Y tế để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trong tình hình giãn cách xã hội, Sở Công thương đang triển khai các biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cuộc sống người dân.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục mở rộng công suất điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng. Đối với việc triển khai tiêm vắc xin sắp tới, ngành Y tế cần xây dựng kế hoạch tổng thể, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và những doanh nghiệp lớn, có đông lao động. Đặc biệt, Sở Y tế cần nhanh chóng nâng cao năng lực và tốc độ xét nghiệm, tập trung toàn lực để tầm soát các F0 trong cộng đồng trong thời gian giãn cách xã hội.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Y tế phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp xét nghiệm cho người lao động, đồng thời kiểm tra các điều kiện phòng, chống dịch và việc thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” của doanh nghiệp. Sở LĐ-TBXH theo dõi và hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Sở Công thương nắm tình hình thị trường để có các biện pháp xử lý cần thiết. Các sở, ngành cần phối hợp đồng bộ với ngành Y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đắc Nhân