(ĐN)- Ngày 10-8, các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy và Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19...
* Bảo vệ tối đa cho nhân viên tuyến đầu chống dịch
(ĐN)- Ngày 10-8, các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng quà cho CDC Đồng Nai |
Báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, Đồng Nai đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đặc biệt là từ giữa tháng 6-2021 trở đi, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có những diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Nguồn lây dịch trên địa bàn tỉnh trong đợt dịch thứ 4 bắt nguồn từ các chợ ở TP.HCM lây cho tiểu thương của 5 xã ở H.Thống Nhất và một số xã, phường ở H.Trảng Bom, TP.Biên Hòa; nguồn lây từ người ở TP.HCM, Bình Dương về Đồng Nai; lây từ các chợ Hóa An, Tân Biên, Phước Tân của TP.Biên Hòa và một số chợ khác ở một số địa phương khác. Tiếp đó là nguồn lây tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Sự lây nhiễm từ các chợ đã dẫn đến lây thứ phát trong cộng đồng, vào các khu dân cư, khu nhà trọ.
Tỉnh đang phải đối mặt với vòng luẩn quẩn là số ca bệnh tăng vượt khả năng xét nghiệm, dẫn đến chậm xác định ca bệnh, chậm bóc tách ca dương tính trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc không chuẩn bị kịp các khu điều trị nên có nhiều ca dương tính chưa được đưa đi ngay. Nhân lực y tế thiếu không đủ để truy vết, điều tra, xét nghiệm để đưa các ca dương tính đi điều trị nên dẫn đến lây lan thứ phát, dây dưa sâu trong cộng đồng.
Lãnh đạo CDC Đồng Nai cũng cho hay, Trung tâm đang lên kế hoạch để quét sạch F0 trong cộng đồng với hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Nếu không làm sạch được F0 trong cộng đồng thì không có cách nào ngăn được lây nhiễm và buộc phải kéo dài phong toả để làm chậm tốc độ lây nhiễm. Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống dịch là quản lý công tác phong tỏa, cách ly bên trong chưa chặt, chưa chặn được người từ vùng đỏ về nhà ở khu vực khác làm nhuộm vàng, đỏ các vùng xanh.
Lãnh đạo CDC Đồng Nai thừa nhận, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn chậm. Đến nay, tỉnh mới tiêm được hơn 100 ngàn liều vaccine, còn gần 200 ngàn liều vaccine chưa được tiêm. Cần xem vaccine là vũ khí để sớm đẩy lùi dịch bệnh, tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Có thể tiêm cuốn chiếu theo địa bàn hoặc tiêm cho đối tượng nguy cơ cao đến nguy cơ thấp. Nguy cơ cao nhất hiện nay là các doanh nghiệp và khu nhà trọ.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nói, công suất xét nghiệm toàn tỉnh hiện là 6 ngàn mẫu đơn/ngày tương đương với 30 ngàn mẫu gộp 5 và 60 ngàn mẫu gộp 10. Để đạt được mục tiêu thực hiện 2 triệu mẫu xét nghiệm cần có thêm 10 dàn máy xét nghiệm PCR.
Giám đốc CDC Đồng Nai Bạch Thái Bình báo cáo tình hình hoạt động với lãnh đạo Tỉnh ủy |
Để triển khai xét nghiệm 2 triệu mẫu bệnh phẩm, giải pháp đưa ra là phân vùng xét nghiệm PCR và xét nghiệm test nhanh cho từng khu vực, địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM và Công ty Việt Á trong công tác xét nghiệm.
Tỉnh đang quyết tâm trong 4 ngày nữa sẽ triển khai tiêm hết gần 200 ngàn liều vaccine trong đợt tiêm thứ 4. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong công tác tiêm vaccine là không có đủ nhân lực. Vùng trũng là TP.Biên Hòa đang rất thiếu nhân lực. Mặc dù tỉnh được Bộ Y tế hỗ trợ hơn 200 người nhưng số lượng nhân lực này chỉ thực hiện được công tác lấy mẫu bệnh phẩm, không thể thực hiện công tác tiêm chủng.
Về công tác điều trị, tỉnh hiện có 7,6 ngàn giường bệnh, trong đó có 5,6 ngàn giường của các bệnh viện dã chiến, đang đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến số 10, 11 để nâng công suất điều trị lên 8 ngàn giường bệnh. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải thành lập các khu cách ly để chăm sóc, điều trị các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Như vậy, tổng công suất tiếp nhận của tỉnh có thể lên đến 20 ngàn giường. Tuy nhiên, so với tốc độ lây lan của dịch bệnh thì tốc độ thành lập các bệnh viện dã chiến chưa đáp ứng được, đặc biệt là giường để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trước những khó khăn trong công tác phòng chống dịch của tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, để đạt được mục tiêu phủ kín vaccine cần có nhiều giải pháp. Ngành Y tế cần suy nghĩ để đưa ra các giải pháp, bằng mọi cách để tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Giải pháp đặt ra phải khả thi. Giải pháp đặt ra nếu không khả thi thì nếu có Nghị quyết cũng không làm được.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo, tính toán ngay không gian để chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân không triệu chứng. Có thể huy động các trường học, trung tâm văn hóa… để đưa vào sử dụng ngay. Cùng với đó, cũng phải tính toán huy động đội ngũ nguồn nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, ngành Y tế cần lập ngay kế hoạch để bổ sung máy thở đáp ứng phương án có thêm nhiều ca F0 để tránh bị động khi có tình huống xảy ra.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, trao tặng phần quà cho tập thể cán bộ, nhân viên của CDC Đồng Nai, căn dặn lãnh đạo đơn vị phải bảo vệ tối đa cho tuyến đầu, không để bị lây nhiễm chéo trong quá trình làm nhiệm vụ.
* Cũng trong sáng 10-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến thăm Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 tại Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2, đóng ở P.Long Bình Tân, TP.Biên Hoà.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi và lãnh đạo Sở Y tế thăm Bệnh viện dã chiến số 3. Trong ảnh: Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng – đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 (áo trắng) báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 |
Tại đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đã thăm hỏi tình hình hoạt động, đời sống của cán bộ, y, bác sĩ, công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19; biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các y, bác sĩ đã và đang ngày đêm vất vả làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Sở Y tế cần có những giải pháp để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến. Nếu có khó khăn, vướng mắc gì liên quan đến nhân lực, trang thiết bị máy móc…, bệnh viện cần sớm kiến nghị với lãnh đạo Sở Y tế để được tháo gỡ kịp thời.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng – đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 cho hay, Bệnh viện dã chiến số 3 đang điều trị cho gần 500 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Làm việc tại bệnh viện hiện có 12 bác sĩ và hơn 20 điều dưỡng, nhân viên.
Hạnh Dung