(ĐN)- Sáng 26-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh...
(ĐN)- Sáng 26-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh |
Báo cáo tóm tắt tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, tính đến 22 giờ ngày 25-8, toàn tỉnh có thêm 836 ca mắc Covid-19, lũy kế đến nay có 20.614 ca mắc. Hiện tỉnh đang điều trị cho 11.715 bệnh nhân Covid-19.
Đối với công tác tiêm vaccine, đến nay, Đồng Nai đã gần hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt 6, đang tiếp nhận kế hoạch phân bổ vaccine đợt 7. Trong đợt 7 này, Đồng Nai dự kiến được phân bổ số lượng lớn vaccine khoảng 500 ngàn liều. Vì vậy, ngành y tế đề nghị các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền người dân chuẩn bị tiêm vaccine vào đầu tháng 9.
* Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tính đến chiều 25-8, Sở LĐ-TBXH đã thực hiện rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 62.348 lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền là 93,522 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt cho trên 59 ngàn người với số tiền là 88,521 tỷ đồng. Theo đó, đến nay đã thực hiện chi trả cho trên 49 ngàn người với số tiền gần 74 tỷ đồng. Một số địa phương đã thực hiện chi trả đạt tỷ lệ 100% cho người dân như các huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Long Khánh.
Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh đã tiếp nhận được các nguồn lực xã hội để chung tay phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, đến nay, MTTQ và các đoàn thể đã tiếp nhận sự ủng hộ về tiền, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh gần 93 tỷ đồng. Sau khi tỉnh tiếp nhận được các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh đều phân bổ ngay về các đơn vị, địa phương.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo đề nghị hệ thống MTTQ thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ người dân. Trong những ngày tới, MTTQ tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp phối hợp các tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả chương trình an sinh xã hội, bố trí kho dữ trữ lương thực hỗ trợ người dân, đảm bảo không để bỏ sót người dân nào bị thiếu đói để yên tâm chống dịch.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các địa phương còn chậm chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân kịp thời. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, ngoài các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách trên, cần rà soát danh sách, bổ sung, hỗ trợ thêm những đối tượng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Đối với việc trực đường dây nóng để hỗ trợ người dân khó khăn cần cử cán bộ chuyên môn thì mới giải đáp được thắc mắc, tiếp nhận đủ thông tin người dân mong muốn. Sau khi tiếp nhận xong thông tin, cán bộ phải truyền tải ngay đến cho các phường, xã, thị trấn để lên phương án hỗ trợ kịp thời. Các Sở, ngành, địa phương cần tăng thêm đường dây nóng để làm sao tiếp nhận đầy đủ thông tin của người dân, hỗ trợ lương thực kịp thời, nhằm thực hiện an sinh xã hội một cách chu đáo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, để đẩy mạnh hỗ trợ người dân khó khăn, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã có chủ trương vận động công chức, viên chức toàn tỉnh, mỗi người ủng hộ cho người nghèo trong tỉnh một tháng là 1 ngày lương (trong 3 tháng). Dự kiến, nếu như thực hiện đầy đủ việc đóng góp này thì một ngày lương của công chức, viên chức toàn tỉnh là 20 tỷ đồng, trong 3 ngày sẽ có 60 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo. “Lương của cán bộ, công nhân, viên chức không cao, nhưng chúng ta vẫn đang ổn hơn nên cần san sẻ tình cảm với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
* Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng
Thông tin về công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện nay Đồng Nai tiếp tục dốc tổng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Do đó, ngành y tế yêu cầu các địa phương sau khi lấy mẫu cần gửi về các đơn vị để xét nghiệm bằng PCR sớm nhất, bóc tách nhanh F0. Nhiều địa phương đang chậm trễ trong công tác xét nghiệm và nhập liệu. Có những đơn vị gửi mẫu xét nghiệm về nhưng lại chưa gửi danh sách dẫn đến công tác xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, thời gian trả kết quả bị chậm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo tại hội nghị về công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh |
Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cho biết, vấn đề quan tâm hiện nay chất lượng lấy mẫu xét nghiệm. Tổ công tác của Bộ Y tế cũng đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh đi khảo sát, kiểm tra một số điểm lấy mẫu xét nghiệm thì nhiều nơi vẫn đang trong trạng thái thụ động. Ví dụ, các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm hiện nay vẫn chép tay danh sách người dân đến lấy mẫu, tất cả điểm lấy mẫu không có sự chuẩn bị về danh sách trước.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Sơn, bên cạnh khâu tổ chức lấy mẫu chưa tốt, thì khâu chuyển mẫu về để xét nghiệm còn chậm. Có những đơn vị lấy mẫu ngày hôm nay, hôm sau mới chuyển để làm xét nghiệm thì chất lượng sẽ giảm đi. Trong khi đó, chiến dịch chống dịch Covid-19 phải thần tốc, nếu chậm chuyển mẫu không thể đánh giá được phương án tiếp theo để xử lý. Do đó, Sở Y tế cần sát sao hàng ngày và xây dựng các đội kiểm tra việc lấy mẫu ở cơ sở thường xuyên. Ngoài ra, Sở Y tế cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra các điểm lấy mẫu và danh sách lấy mẫu cụ thể, đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, bổ sung lực lượng nhập liệu không để tình trạng này kéo dài. Cần nhanh chóng thành lập tổ công tác nhập liệu cho ổn định để thực hiện điều hành đơn vị nhập liệu, đảm bảo công tác nhập liệu phải khắc phục xong trong ngày 26 và 27-8.
Ngoài ra, các địa phương cần lập danh sách người dân đến lấy mẫu xét nghiệm trước để nâng chất lượng xét nghiệm. Đối với công tác chuyển mẫu chậm, ngành y tế cần sát sao, khắc phục, chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển mẫu ngay trong ngày, không để chậm trễ. Về trang bị tủ thuốc cần thiết, Sở Y tế tăng cường kiểm tra cơ sở cách ly F0, F1, yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thành phố trang bị tủ thuốc, đảm bảo tối thiểu sức khoẻ cho nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đề nghị 4 địa phương: Biên Hoà, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Mỗi địa phương cần có phương án chăm sóc cho các trẻ nhỏ, người già khi trong gia đình có bố, mẹ, người thân bị nhiễm bệnh. Ví dụ có gia đình bố mẹ đều bị nhiễm bệnh đi điều trị, nhưng con không bị nhiễm bệnh thì địa phương cần có phương án chăm sóc các cháu, tránh để tình trạng những người cần không quan tâm kịp thời.
Lan Mai