Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung hết mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

03:08, 24/08/2021

ĐN- Sáng 24-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

ĐN-Sáng 24-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Ảnh: Khánh Lộc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cùng Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ chủ trì hội nghị. Ảnh: Khánh Lộc

Thông tin tại hội nghị, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến 22 giờ ngày 23-8, Đồng Nai có thêm 984 ca mắc Covid-19, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 19.340 người mắc Covid-19 và 140 bệnh nhân tử vong. Trong số 984 ca mắc mới, có 14 F0 trong khu công nghiệp; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 22/31 KCN có F0. TS.BS Phan Huy Anh Vũ nhận định, trong những ngày tới số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm; TP.Biên Hòa vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất của tỉnh. Hiện nay việc nhập số liệu liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở một số đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, việc sử dụng công nghệ thông tin chưa tốt nên có lúc số liệu liên quan đến phòng, chống dịch bệnh chưa khớp giữa các đơn vị, địa phương với nhau.

* Thực hiện xét nghiệm diện rộng để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cũng đã thông tin về công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh. Bác sỹ Sơn cho biết, vừa qua Đồng Nai đã triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 1, hiện nay một số địa phương đang triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2. Qua xét nghiệm diện rộng đợt 1 cho thấy, đây là quyết tâm rất lớn của Đồng Nai với mục tiêu sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Có một số huyện làm rất tốt công tác xét nghiệm đợt 1 và triển khai thực hiện xong trong 3 ngày theo đúng kế hoạch đề ra. Nhưng một số huyện đến nay chưa triển khai hết đợt 1. Bác sỹ Sơn khuyến cáo, những địa phương nào chưa triển khai xét nghiệm diện rộng hết đợt 1 thì tiếp tục thực hiện hoặc trong cùng một vùng có nhiều ca nhiễm mà chưa xét nghiệm hết số người cần xét nghiệm thì cần quản lý chặt chẽ theo từng nhóm giữa những người đã lấy mẫu xét nghiệm và chưa xét nghiệm để tránh sự giao thoa, lây chéo. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cần điều phối nhân lực để TP.Biên Hòa đạt yêu cầu trong việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. TS.BS Nguyễn Đức Sơn nhận định, trong thời gian Đồng Nai thực hiện xét nghiệm diện rộng, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng, việc tăng này là có chủ động.

Cùng với xét nghiệm diện rộng để sớm bóc tách F0 ra cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực trong việc chăm lo đời sống nhân dân. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến 16 giờ ngày 23-8, Sở LĐTB-XH đã thực hiện rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 60.690 người, với số tiền 91,035 tỷ đồng; trong đó UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt cho 49.740 người, với số tiền 74,61 tỷ đồng. Đến nay các địa phương đã thực hiện chi trả cho 45.067 người, với số tiền 67,6 tỷ đồng. Trong 11 huyện, thành phố của tỉnh, có 3 huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc và Vĩnh Cửu đã thực hiện chi 100% số tiền hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng.

Ảnh: Khánh Lộc
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao đổi một số giải pháp về công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Ảnh: Khánh Lộc

Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh đã tiếp nhận được các nguồn lực xã hội để chung tay phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, đến nay MTTQ và các đoàn thể đã tiếp nhận sự ủng hộ về tiền, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh có tổng trị giá hơn 92 tỷ đồng (trong đó tiền mặt là 22,5 tỷ đồng). Sau khi tỉnh tiếp nhận được các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh đều phân bổ ngay về các đơn vị, địa phương. Thời gian tới, MTTQ tỉnh tiếp tục hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp các tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả chương trình an sinh xã hội với mục tiêu mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu: không để người dân nào thiếu ăn trong thời gian giãn cách xã hội, qua đó để tất cả mọi người dân yên tâm, đồng thuận với các biện pháp phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp.

* Trong lúc này, tập trung cao độ cho phòng, chống dịch

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện đúng các nội dung theo Kế hoạch 9722/KH-UBND của UBND tỉnh để công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh không được hạ cấp độ trong công tác chống dịch lúc này, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thật chi tiết trong phân bổ nguồn lực chống dịch. Phải làm sạch F0 ở tất cả các khu vực, không nặng ở khu dân cư mà nhẹ ở KCN, qua đó đảm bảo khi khống chế được dịch bệnh ở khu dân cư cũng đồng nghĩa là các KCN không còn F0.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội để giúp dân. MTTQ và các cơ quan chức năng cần tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân và xử lý kịp thời những tiêu cực. Tỉnh ủy cũng sẽ tiếp tục phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên và lãnh đạo sở, ngành về giúp cơ sở trong công tác phòng chống dịch nhằm sớm khống chế được dịch bệnh.

Sở TT-TT, chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cách nhập liệu sao cho khớp, chính xác trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay Trung ương đã đồng ý cấp cho Đồng Nai 50% số gạo theo đăng ký của tỉnh. Hôm nay, tỉnh sẽ phê duyệt kế hoạch phân bổ số lượng gạo cho từng địa phương nên các địa phương khẩn trương lập danh sách đối tượng được nhận gạo và chuẩn bị kho dự trữ gạo.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh dứt khoát không hạ cấp độ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong lúc này phải tập trung hết mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh ghi nhận những nỗ lực và kết quả tích cực trong thực hiện an sinh xã hội của các địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai chương trình an sinh xã hội ở cơ sở. Các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường phải có kho lương thực để khi tiếp nhận gạo về đảm bảo không ẩm mốc, không bị giảm chất lượng. Khi gạo về đến xã, đưa ngay đến từng nhà dân; chú ý đến các khu nhà trọ, công nhân lao động nghèo để không bỏ sót một ai bị đói. Cán bộ cơ sở cần đi từng ngõ, gõ từng nhà để xem hộ nào có khó khăn mà chưa được giúp đỡ thì bổ sung, đưa vào danh sách giúp đỡ ngay.

Ảnh: Khánh Lộc
TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai thông tin về tình hình xét nghiệm diện rộng ở Đồng Nai. Ảnh: Khánh Lộc

Các xã, phường hình thành ngay các tổ công tác để giúp dân; các tổ này do bí thư, chủ tịch điều phối để khi nhận thông tin hộ nào khó khăn là xác minh ngay để hỗ trợ, không chậm trễ. Khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình giúp dân và các chính sách an sinh phải được thực hiện đúng đối tượng.

Sau khi UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ gạo, ngay chiều nay Sở GT-VT bố trí các xe để chuyển gạo về với dân. Tiền và các nguồn lực khác cũng chuyển ngay về xã, phường để đưa đến tay cho dân, không giữ lại một đồng nào ở trên tỉnh.

Phương Hằng
 

Tin xem nhiều