(ĐN)- Sáng 6-8, Tỉnh đoàn và Trường Đại học Lạc Hồng đã tiến hành thử nghiệm robot vận chuyển lương thực tại một khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn phường Quang Vinh...
(ĐN)- Sau hơn 7 ngày thiết kế và chế tạo hoàn thành, sáng ngày 6-8, tại một khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa), Tỉnh đoàn và Trường Đại học Lạc Hồng đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm robot dùng vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm trong khu cách ly, phong tỏa, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống Covid-19.
Robot được điều khiển từ xa bằng tay, bán tự động |
Robot này có chi phí chế tạo khoảng 60 triệu đồng. Robot di chuyển bằng bánh xe, được điều khiển từ xa bằng tay, bán tự động, có phạm vi điều khiển 200 mét và hoạt động bằng pin sạc (hoạt động liên tục 4 giờ), có thể chở được 100kg hàng. Robot này còn có khả năng xịt dung dịch khử khuẩn cũng như ghi hình trên hành trình di chuyển nhờ gắn camera HD, thông báo người ra nhận hàng. Phía trên có khay để đựng các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men…
Chất lương thực lên robot |
Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên cho biết, dự kiến trong tháng 8 sẽ có thể sản xuất khoảng 5 con robot thực hiện nhiệm vụ phát thực phẩm tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Tỉnh đoàn cũng đang trao đổi với Sở Y tế để trong thời gian sắp tới có thể phối hợp với Sở Y tế nhân rộng mô hình này ở trong các khu bệnh viện dã chiến…
Robot chất đầy lương thực đi vào khu nhà trọ thuộc KP2, phường Quang Vinh |
Tại buổi thử nghiệm, robot đã được dùng để trao tặng lương thực cho những người ở trọ tại khu phố 2, phường Quang Vinh. Theo ghi nhận, robot đã vận hành tốt, đáp ứng các yêu cầu đặt ra, tuy vẫn còn một số hạn chế trong vận hành thực tế cần phải khắc phục…
Người dân trong khu nhà trọ lần lượt ra lấy lương thực cứu trợ từ trên robot |
Robot do Tỉnh đoàn và Trường đại học Lạc Hồng hợp tác phát triển là sản phẩm được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh cho các y bác sĩ, các tình nguyện viên phục vụ tại tuyến đầu chống dịch covid-19 ở các khu phong tỏa, cách ly, các bệnh viện dã chiến. Trong thời gian tới, Trường đại học Lạc Hồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các phiên bản khác nhau để phù hợp với nhiều không gian, địa hình, qua đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Tin, ảnh: Huy Anh