(ĐN) - Ngày 15-9, Bộ KH-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
ADVERTISEMENT
(ĐN) - Ngày 15-9, Bộ KH-ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện kinh tế- xã hội và đầu tư công năm 2021 và đưa ra các giải pháp, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, các bộ ngành cũng sẽ giải đáp, hỗ trợ từng địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải do tình hình dịch bệnh Covid-19.
ADVERTISEMENT
Theo Bộ KH-ĐT, đợt dịch lần thứ tư bùng phát có tốc độ lây lan nhanh từ cuối tháng 6-2021, các tỉnh, thành phía Nam phải tiến hành giãn cách xã hội kéo dài nhiều ngày làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế. Riêng vùng Đông Nam bộ bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19, nếu trong 6 tháng đầu năm GRDP đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm là TP.HCM 5,46%, Bình Dương 7,23%, Đồng Nai 5,74%, Tây Ninh hơn 7%. Mức tăng tập trung vào khu vực công nghiệp.
Tuy nhiên, tính chung cả 8 tháng của năm 2021, đà tăng trưởng đã chững lại do các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút do giãn cách xã hội toàn vùng. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021, Vùng Đông Nam bộ là -0,13% và có 6/12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp giải thể tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
ADVERTISEMENT
Có 6 khó khăn, vướng mắc lớn mà 2 vùng nói trên đang gặp phải là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, hệ thống y tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân đều tới ngưỡng; Dịch bệnh gây thiệt hại lớn đến ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ; giãn cách xã hội kéo dài đã khiến 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 80% doanh nghiệp bị ngưng trệ hoạt động; tình trạng thất nghiệp di cư về các địa phương gia tăng; nguồn lực thiếu hụt vì dồn cho chống dịch; Công tác an sinh xã hội được triển khai rộng khắp nhưng chưa phủ hết nên vẫn còn những trường hợp người dân gặp khó khăn chưa được cứu trợ kịp thời. Một số khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành đã được các bộ ngành trả lời và tháo gỡ, còn một số vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, Bộ KH-ĐT sẽ ghi nhận để đề xuất lên.
Theo ý kiến của các tỉnh, thành giải pháp chủ yếu cho những tháng cuối năm 2021 là nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, không để bùng phát trở lại, ưu tiên và tăng tốc trong tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, sớm mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, hầu hết các tỉnh, thành Vùng Đông Nam bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều gặp khó khăn trong triển khai các công trình, dự án do dịch bệnh, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Hiện các địa phương đang cố gắng để hết tháng 9-2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai xây dựng nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp với khả năng cân đối chung, kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua. Tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước năm 2022, của Vùng Đông Nam bộ gần 96,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần 15,6% so với năm 2021.
Chủ trì hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các tỉnh, thành trong phòng chống dịch bệnh, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế. Các tỉnh, thành cố gắng phấn đấu trở lại trạng thái bình thường mới của địa phương trong vùng với thời gian sớm nhất, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống người dân. Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, kết nối vùng tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Tại Đồng Nai, tuy dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng dự kiến, năm 2021 sẽ có 3 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh là kim ngạch xuất khẩu, tổng thu ngân sách, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người; còn lại các chỉ tiêu khác đều sẽ đạt mục tiêu. Tỉnh đang xây dựng các giải pháp chuẩn bị cho mở cửa phục hồi lại kinh tế.
Hương Giang