Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân gặp khó khăn

01:10, 13/10/2021

(ĐN)- Sáng 13-10, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các địa phương...

(ĐN)- Sáng 13-10, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ báo tin vui, số ca mắc Covid-19 đang giảm bền vững theo từng ngày. Tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên, đang tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đồng Nai chính thức rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca xuống còn 6 tuần. Nếu trong tuần này tiêm hết hơn 400 ngàn liều vaccine còn lại sẽ có 1 triệu người được tiêm đủ 2 liều vaccine. Trường hợp được Bộ Y tế cấp đủ số vaccine mà tỉnh đề nghị thì dự kiến đến giữa tháng 11, tỉnh Đồng Nai sẽ phủ đủ 2 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.

Về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, các địa phương cần lên kế hoạch tổ chức tiêm để sẵn sàng tiêm cho trẻ khi Bộ Y tế triển khai kế hoạch, dự kiến khoảng 10 ngày nữa.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Để hạn chế số ca mắc Covid-19 mới trong khu cách ly tập trung, Giám đốc Sở Y tế đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho phép triển khai cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, tính đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ 785,6 tỷ đồng cho hơn 8,9 ngàn đơn vị sử dụng lao động, hơn 393,3 ngàn người lao động và hơn 6,3 ngàn hộ kinh doanh trên tổng số kinh phí đã phê duyệt là hơn 983,7 tỷ đồng. Còn khoảng hơn 113 ngàn người lao động đã được phê duyệt nhưng chưa chi hỗ trợ. Người dân vẫn tiếp tục phản ánh trên Tổng đài 1022 về việc chưa được nhận tiền hỗ trợ hoặc không biết có được hỗ trợ hay không.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà đề nghị sớm ban hành quyết định hỗ trợ cho người dân đang sinh sống trong các khu nhà trọ để tuyên truyền cho người dân được biết. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần có chính sách để hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại Đồng Nai làm việc.

Trả lời về việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn chưa đạt kết quả như mong muốn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, vấn đề nằm ở các ông, bà Tổ trưởng khu phố, thôn, ấp. Có trường hợp tổ trưởng khu phố thích thì nhận đơn, không thích thì trả về. Có tổ trưởng khu phố khi nhận đơn của thợ hồ nói “lương thợ hồ 15 triệu/tháng giờ lấy đó ra mà xài” và không nhận đơn. Đặc biệt ở khu vực TP.Biên Hòa, việc nhận đơn, trả đơn cho người dân phụ thuộc vào các trưởng khu phố. Nhiều tổ trưởng khu phố không hiểu quy định pháp luật, thậm chí không phát đơn mẫu cho người dân hoặc chỉ phát vài tờ đơn, gây bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng người dân phản ánh nhiều lần.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, về vấn đề an sinh xã hội, lãnh đạo tỉnh đã đánh cược sinh mạng chính trị. Do đó, trên cơ sở phản ánh của người dân, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh. Trường hợp nào không được hưởng thì giải thích để người dân rõ. UBND tỉnh cần nghiên cứu kỹ để tham mưu trên cơ sở cân đối khả năng ngân sách của địa phương, tính toán để hỗ trợ thêm cho các hộ dân khó khăn. Bởi, có những hộ dân 3 tháng giãn cách tuy có được hỗ trợ nhưng chỉ ở mức tạm đủ sống. Cần xem an sinh xã hội như gói kích cầu để kích thích sản xuất.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, tình hình dịch bệnh hiện đang được kiểm soát nên ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học. Bởi, hiện nay học sinh vẫn chưa được tiêm vaccine, nếu có 1 em bị bệnh thì cha mẹ cũng không thể đi làm được. UBND tỉnh sẽ xem xét việc cho học sinh đến trường trở lại hay vẫn tiếp tục học online dựa trên kế hoạch cụ thể của ngành GD-ĐT, đánh giá dịch tễ của từng địa phương.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh:Huy Anh
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh:Huy Anh

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý đến việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68. Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh ký văn bản mở rộng đối tượng, hỗ trợ tiền nhà trọ, điện, nước cho người dân ở trọ. Lãnh đạo các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người dân, không thể để xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, người dân không biết mình có được hỗ trợ hay không hoặc rất chậm trễ. Có những khu nhà trọ suốt 3 tháng không có ánh nắng mặt trời, người dân cũng không biết làm cách nào để có ánh nắng mặt trời. Nếu không được hỗ trợ thì ở mãi trong điều kiện đó có chịu được hay không? Những nơi nào lơ là việc hỗ trợ người dân cần xử lý nghiêm và khắc phục ngay. Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng cần rà soát xem còn công ty nào trong các khu công nghiệp thời gian qua tạm ngưng hoạt động mà không hỗ trợ cho người lao động để lập danh sách đề nghị hỗ trợ. Những doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp chưa hỗ trợ công nhân, không hỗ trợ công nhân cũng xác nhận danh sách để nhà nước hỗ trợ.

“Thương dân hay không thương dân là ở lúc này đây. Đáng ra phải làm việc này sớm hơn, phải tập trung nhiều hơn nữa để lo cho công nhân, cho người dân khó khăn” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị ngành Y tế có giải pháp để giảm tối đa số ca F0 trong khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch, đi lại của người dân.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Về vấn đề an sinh xã hội, qua tiếp cận với người dân, lãnh đạo tỉnh cho biết, người dân không đói nhưng họ cần tiền để mua sữa cho con và những đồ dùng vật dụng thiết yếu. Do đó, việc chi hỗ trợ cho người dân cần phải công bằng. Nơi nào nhận thức chưa rõ thì phải quát triệt lại để đồng bộ lo cho dân, giúp an dân. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh chỉ là 1 vế, vế còn lại phải do cán bộ ở cơ sở. Cán bộ tỉnh không thể lay thay cán bộ ở cơ sở được.

Các đơn vị, sở ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thông tin cho doanh nghiệp nắm chủ trương của tỉnh để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với chủ trương của tỉnh. Các quy định về xét nghiệm tại doanh nghiệp cần tính toán sao cho hiệu quả, tránh lãng phí.

Riêng vấn đề cho học sinh trở lại trường học, cần phải chuẩn bị tâm thế cho cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội để không bị động. Còn 19 ngày nữa để chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Nếu từ nay đến 1-11 chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết thì chưa cho học sinh trở lại trường học. Kế hoạch trở lại trường học phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, an toàn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều