(ĐN) - Ngày 28-10, Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương thảo luận về phương thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM.
(ĐN) - Ngày 28-10, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương thảo luận về phương thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai,.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại đầu cầu Đồng Nai |
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Long An về việc nên thực hiện triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM theo hình thức đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách. Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà nước sẽ thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, thời gian qua, Đồng Nai chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch cũng rất lớn nên rất khó để bố trí nguồn vốn thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, Đồng Nai cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tính toán đưa hợp phần 1.2 của dự án gồm: giải phóng mặt bằng, xây dựng đường song hành, tuyến nối vào KCN Ông Kèo, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đoạn qua địa bàn tỉnh vào tổng chi phí đầu tư của dự án nếu triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Đường Vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 91km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 11,3km. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Bộ GT-VT đã hoàn thành nghiên cứu dự án và chuyển hồ sơ cho UBND TP.HCM và các địa phương liên quan. Về quy mô đầu tư, dự án sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ một lần với quy mô toàn tuyến có 8 làn xe. Về đầu tư xây dựng sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện đang gặp nhiều khó khăn do chưa xác định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề xuất dự án nếu triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Cùng với đó, cả 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đề thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện đề án về phục hồi nền kinh tế trình Quốc hội. Trong nội dung của đề án có liên quan đến 2 tuyến đường là Vành đai 4 - Hà Nội và Vành đai - TP.HCM. Do đó, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến các địa phương để báo cáo với Chính phủ, đồng thời đề xuất hình thức thực hiện để đạt mục tiêu triển khai nhanh nhằm tạo tác động phục hồi kinh tế cũng như tác động lan tỏa phát triển bền vững sau này.
Phạm Tùng