(ĐN)- Sáng 6-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để xử lý những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết hồ sơ hoạt động của các doanh nghiệp.
(ĐN)- Sáng 6-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về việc xử lý những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết hồ sơ hoạt động của các doanh nghiệp. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã đến dự.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thành |
Trong thời gian qua, để duy trì hoạt động trong trình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả 2 phương án. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức cho người lao động đi – về hằng ngày. Cơ quan thẩm định và cấp phép cho các hoạt động này là Ban Quản lý Khu công nghiệp đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và Sở LĐ-TBXH đối với doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về nhân lực khi có nhiều người lao động ở vùng cam, vùng vàng. Bên cạnh đó, việc các địa phương cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp tổ chức đi – về hằng ngày cũng rất mất thời gian do số lao động quá đông. Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở LĐ-TBXH cũng gặp khó khăn do số hồ sơ doanh nghiệp nộp về rất lớn, không thể kiểm tra, thẩm định đầy đủ trước khi cấp phép. Việc thẩm định theo vùng xanh cũng mất rất nhiều thời gian, trong khi thông tin này có thể bị thay đổi rất nhanh.
Các đơn vị, địa phương kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định không cấp giấy đi đường cho người lao động mà sẽ quản lý bằng công nghệ. Đối với việc thẩm định phương án sản xuất cần tiến tới giao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đăng ký phương án và chuẩn bị đầy đủ, các cơ quan chức năng và địa phương sẽ thực hiện hậu kiểm. Cùng với đó, tỉnh sớm ban hành quy định và hướng dẫn về di chuyển liên vùng, tạo điều kiện cho chuyên gia, người lao động ngoại tỉnh có thể trở lại làm việc tại Đồng Nai. Một số địa phương đề xuất tỉnh phân cấp cho địa phương để phê duyệt phương án sản xuất của doanh nghiệp, qua đó đẩy nhanh hoạt động này.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, việc xác định nguy cơ theo vùng xanh, vàng, cam, đỏ đến ấp, khu phố như hiện nay là không phù hợp, gây cản trở hoạt động sản xuất. Do đó, nên xem xét việc xác định nguy cơ đến từng tổ, hẻm. Thậm chí, có thể không tiếp tục xác định theo vùng xanh, vàng, cam đỏ, mà chỉ tiến hành cách ly y tế hết sức nhỏ gọn ở các khu vực hay ổ dịch có nguy cơ cao.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng hiện nay, Đồng Nai đã có kinh nghiệm đối phó với dịch, số người được tiêm vaccine đã nhiều, năng lực điều trị đã được nâng cao. Trong bối cảnh đó, tỉnh cần khôi phục hoạt động sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất đảm bảo an toàn, dựa trên các tiêu chí do cơ quản quản lý nhà nước đưa ra. Hậu kiểm không có nghĩa là buông lỏng, mà phải thẩm định kỹ lưỡng phương án. Doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót. Sở Y tế cần nghiên cứu xem trong điều kiện hiện nay các doanh nghiệp có cần sản xuất 3 tại chỗ nữa không, khi mỗi người lao động đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp cùng Sở LĐ-TBXH xây dựng bộ tiêu chí để doanh nghiệp tự đánh giá phương án sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch để chủ động sản xuất an toàn, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ thông qua việc tiêm vaccine. Sở LĐ-TBXH sẽ chịu trách nhiệm cấp phép cho doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động, các địa phương sẽ cấp phép cho doanh nghiệp dưới 100 lao động. Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp phép đối với tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Hiện nay, Đồng Nai đang thực hiện kế hoạch 11102/KH-UBND nên trước mắt vẫn sẽ quy định theo vùng xanh nhưng sẽ đánh giá đến từng tổ, hẻm. Trong ngày 6-10, tỉnh ban hành văn bản bãi bỏ việc sử dụng giấy đi đường. Người lao động ra đường phải đeo bảng tên, mặc đồng phục công ty và phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Việc quản lý sẽ dùng ứng dụng PC-Covid hoặc có các giấy tờ liên quan để chứng minh. Các doanh nghiệp cũng phải quản lý chặt chẽ việc di chuyển của người lao động, đảm bảo đúng lộ trình. Đối với quy định về liên kết vùng, tạm thời, chuyên gia, người lao động từ các tỉnh lân cận làm việc tại Đồng Nai hoặc ngược lại chỉ được đi xe đưa rước.
Đắc Nhân