(ĐN)- Sáng 10-11, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các thành viên ban chỉ đạo và các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
(ĐN)- Sáng 10-11, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các thành viên ban chỉ đạo và các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; các đồng chí trong Ban TVTU, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch covid-19 tỉnh, trong ngày hôm qua 9-11, tình hình các ca nhiễm mới có xu hướng giảm so với những ngày trước. Theo đó, toàn tỉnh ghi nhận 844 ca mắc Covid-19 mới tại tất cả 11/11 huyện, thành phố, với 239 ca sàng lọc tại cơ sở y tế, 358 ca trong các khu cách ly tập trung và 247 ca trong khu phong tỏa. Trong hai ngày 8 và 9-11, bình quân mỗi ngày tỉnh đều ghi nhận trên 200 ca nhiễm trong cộng đồng, tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Một trong những công tác quan trọng là tiêm vaccine ngừa Covid-19, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 toàn tỉnh đã đạt 107% nhưng hiện vẫn còn một số địa phương chưa đạt 100% tiêm mũi 1, trong đó H.Tân Phú mới đạt 85,1%, H.Cẩm Mỹ 97,7%, Thống Nhất 92,5%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 toàn tỉnh đạt 79,7%, riêng H.Tân Phú mới đạt 33,7%, các địa phương khác đều đạt trên 70%, riêng H.Vĩnh Cửu đã đạt 92,6%. Toàn tỉnh hiện vẫn còn tồn, chưa tiêm hết là hơn 242 ngàn liều vaccine. Từ ngày 7 đến ngày 9-11 toàn tỉnh đã có trên 55,2 ngàn trẻ đã được tiêm vaccine, còn trên 24,8 ngàn liều vaccine sẽ tiếp tục được tiêm trong những ngày sắp tới.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện chỉ còn 50 doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại với tổng số lượng 1.700 lao động. Con số này không nhiều so với tổng số doanh nghiệp và người lao động của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, tăng ca để đáp ứng đơn hàng cuối năm. Ban quản lý các công nghiệp đang đẩy mạnh tiến hành kiểm tra hỗ trợ doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ông Danh cho biết thêm: “Trong chiều 10-11, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Y tế họp với các doanh nghiệp về kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp”.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương tiếp tục thực hiện chi trả theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đối với người lao động và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao H.Vĩnh Cửu thời gian đầu có tốc độ giải ngân gói hỗ trợ thấp nhưng nay đã đạt gần 100%, nhiều địa phương đã thực trên 90%. Riêng hai địa phương là Cẩm Mỹ và Tân Phú có tốc độ giải ngân chậm cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Quá trình giải ngân cần chú ý đến những công nhân có trong danh sách được phê duyệt nhưng về quê chưa được nhận thì phải chuyển sớm vào tài khoản cá nhân người được thụ hưởng. Bên cạnh đó, các địa phương chú ý thực hiện Nghị định 33 của Chính phủ có điều chỉnh bổ sung một số đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 68 để thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Liên quan đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, đã có 51% người dùng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng PC-Covid-19; 97% ý kiến phản ánh của người dân về tổng đài 1022 được xử lý. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở TT-TT và Viễn thông Quân đội Viettel trong cập nhật thông tin và theo dõi quản lý F0, F1 tại nhà.
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy thì đề nghị các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh việc thành lập các trạm y tế lưu động tại các phường xã. “Các địa phương không được phép để xảy ra các trạm y tế phường xã quá tải, hay xã trở thành vùng vàng, vùng cam rồi mới lập trạm y tế lưu động. Phải thành lập trạm y tế lưu động ngay, khởi động tập huấn và kích hoạt ngay để luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh tại địa phương” - đồng chí Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao Sở TT-TT và các thành viên của Tổ Công nghệ thông tin thời gian qua đã có nhiều nỗ lực về địa phương hỗ trợ để quản lý tốt F1, F0 tại nhà. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Các địa phương phải chỉ đạo áp dụng ngay công nghệ thông tin vào quản lý F1 và F0 tại nhà để giảm áp lực cho xã hội và nhà nước, đồng thời chống lây nhiễm trong các khu cách ly. Khi cách ly tại nhà thì phải tư vấn sức khỏe và hỗ trợ y tế tốt cho người dân, từ đó giúp người dân an tâm vì luôn có lực lượng y tế bên cạnh”.
Nhắc lại nhiệm vụ rất quan trọng là thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã phường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thứ hai tuần tới là thời điểm 100% phường xã phải có trạm y tế lưu động. Từ 92 trạm, đến nay đã tăng lên 108 trạm, còn 62 phường xã trong những ngày tới phải hoàn thành. Đồng chí đánh giá cao TP.Long Khánh đã trở thành địa phương đầu tiên thành lập được trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Long Khánh trong số trên 30 khu công nghiệp tập trung của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: “Các địa phương phải rất quan tâm đến các trường hợp F1 và F0 được cách ly tại nhà, phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không để người dân nào khó khăn bị thiếu ăn. Làm tốt cách ly tại nhà về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả, từ đó sẽ hình thành một cơ chế phát hiện, quản lý và điều trị F0 một cách bình thường và đơn giản”.
Hiện nay số lượng các ca F0 tăng lên, tuy nhiên số bệnh nhận nặng và tử vong lại giảm, thậm chí là nhiều ngày liên tiếp không có ca tử vong. Đây là cơ sở để Đồng Nai có thể kéo giảm tỷ lệ tử vong từ 0,8% hiện nay xuống thấp hơn đến mức 0,5%. “Hỗ trợ điều trị F0, không để xảy ra tử vong là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất của cách chống dịch hiện nay” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho toàn dân, đồng thời hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu thực sự an toàn trong quá trình chống dịch. Phải tăng cường kiểm tra nhắc nhở công nhân lao động thực hiện 5K tại các doanh nghiệp, sản xuất phải an toàn, rủi ro xảy ra với một công nhân nhưng không làm ảnh hưởng đến cả nhà máy. Doanh nghiệp càng đông công nhân càng phải tăng cường kiểm tra hỗ trợ, nếu thiếu lực lượng thì tăng cường lực lượng. Lấy hỗ trợ tuyên truyền nhắc nhở là chính, nếu nhiều lần vi phạm thì phải xử lý. Đồng chí lưu ý, cânf tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra thực hiện nghiêm 5K tại các khu dân cư, các điểm công cộng, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại…
Công Nghĩa