Kết thúc phần chất vấn thuộc lĩnh vực LĐ-TBXH tại Kỳ họp thứ 2 vào sáng 11-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống...
Sáng 11-11, phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực LĐ-TBXH tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời nhóm vấn đề lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề lao động, việc làm và vấn đề xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 và những định hướng giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết nhận được sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhân dân và cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua chất vấn đã tập trung làm rõ thêm các vấn đề cơ bản.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam, phối hợp với TP.HCM và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến. Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm đề xuất.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực GD-ĐT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành, trong đó yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản GD-ĐT trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tăng cường trách nhiệm triển khai của Bộ GD-ĐT, các địa phương và cơ sở giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Do đó, phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các ĐBQH và hàng chục triệu học sinh, bậc cha mẹ học sinh trên toàn quốc.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm rõ tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra, có phân tích theo từng cấp học từ giáo dục mầm non, phổ thông, đại học.
Chiều cùng ngày, các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về các nội dung liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trả lời chất vấn của ĐBQH về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra những kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới. Bộ trưởng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra…
Theo quochoi.vn