(ĐN) - Ngày 17-12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
(ĐN) - Ngày 17-12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Tham dự có đại diện các bộ ngành, hàng trăm DN dệt may trên cả nước, các nhãn hàng, tổ chức quốc tế.
Sản xuất dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) |
Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng năng nề đến nhiều doanh nghiệp dệt may, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt hơn 39 tỷ USD. Theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, hiện nay, khó khăn lớn nhất của ngành vẫn là dịch bệnh Covid-19, vì nếu xảy ra các ca F0 sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.
Trong quý IV-2021, ngoài khó khăn về dịch bệnh, doanh nghiệp đối mặt với chi phí logistics, nguyên liệu tăng giá, chi phí cho người lao động cũng tăng cao. Bên cạnh đó, đòi hỏi của các nhãn hàng quốc tế ngày một cao, buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn. Vì thế, các doanh nghiệp dệt may cũng hy vọng các nhãn hàng sẽ chia sẻ bằng cách tăng giá mua các sản phẩm.
Các tổ chức quốc tế, nhãn hàng, cố vấn ngành cũng đưa ra những đánh giá về thị trường ngành dệt may toàn cầu trong năm 2022 và xu hướng của người tiêu dùng các nước. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất phải phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng. Trong năm 2021, ngành dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh có sự tăng trưởng cao nhờ cải thiện về công nghệ, năng suất, chất lượng nên doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có chiến lược để tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 42,4 - 43 tỷ USD, để đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp phải áp dụng linh hoạt Chỉ thị 128 của Chính phủ phòng chống dịch tốt để duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng. Đầu năm 2022, hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho ngành dệt may, các doanh nghiệp cố gắng khai thác các lợi thế để mở rộng thị trường tiêu thụ và sẽ cố gắng nâng thu nhập của người lao động trong ngành lên 4,5-4,6 ngàn USD/người/năm.
Tại Đồng Nai, ngành dệt may là một trong 5 ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, đây là ngành có xuất siêu khá lớn với hơn 1,2 tỷ USD.
Hương Giang