Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng công tác đối ngoại hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc

01:12, 14/12/2021

(ĐN) - Sáng 14-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

(ĐN) - Sáng 14-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đây là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, chuyên sâu về công tác đối ngoại. Hội nghị tập trung đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại; quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, trên cơ sở đó đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu chính từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Tại điểm cầu Đồng Nai, chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy.

* Công tác đối ngoại đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước

Báo cáo tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhận định, qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định; uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỷ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị - xã hội được đảm bảo trên cơ sở củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội quốc tế.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo những kết quả toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Từ năm 2016-2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước.

Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vaccine trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Việt Nam đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Đến nay Việt Nam đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu… Đồng thời, đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; ký kết 15 hiệp định thương mại tự do FTA. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021 mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.

Công tác vận động phi chính phủ nước ngoài được triển khai hiệu quả ở 63 tỉnh, thành phố cả nước, phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương.

Với những chỉ tiêu về kinh tế đối ngoại đã đạt và vượt kế hoạch trong những năm qua đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới 5 năm qua.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ nêu rõ, công tác đối ngoại vẫn còn những mặt hạn chế. Từ những kết quả, hạn chế, đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm; đồng thời trên cơ sở dự báo tình hình thế giới trong 5-10 năm tới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Mục tiêu của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Phương hướng đối ngoại là chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại.

Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Phó thủ tưởng thường trực Chính phủ đã nêu rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại thời gian tới; trong đó, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Để làm rõ hơn những thành tựu về công tác đối ngoại của nước ta và góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hội nghị đã nhận được 36 tham luận của các bộ, ngành Trung ương và đơn vị, địa phương.

* Trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam

Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được đại dịch, bước vào trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế xã hội.

Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai

Qua hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp các ngành trong hoạt động đối ngoại.

Theo Tổng Bí thư, đất nước ta có trường phái ngoại giao riêng, trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, đó là trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam. Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được.  

Tổng Bí thư cho biết, trường phái ngoại giao của đất nước thấm từ tâm hồn, cốt cách, khí phách của Việt Nam, mềm mại, khôn khéo, rất kiên cường, linh hoạt sáng tạo, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông.

Tổng Bí thư đề nghị, các nhà ngoại giao phải là nhà chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, phục vụ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích quốc gia làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Các nhà ngoại giao được đòi hỏi rất cao về các phẩm chất vì nhận nhiệm vụ "vinh quang và đầy trọng trách" khi đem chuông đi đánh xứ người.

Tổng Bí thư kêu gọi các nhà ngoại giao hãy tự tin, vững vàng, kiên định, khôn khéo để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích đất nước, và đằng sau họ là sự ủng hộ của cả dân tộc.

Tổng Bí thư hy vọng, hội nghị lần này đánh dấu cột mốc mới, tạo chuyển biến mới trong công tác đối ngoại và kêu gọi quyết tâm xây dựng nền đối ngoại hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.   

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định và chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng chương trình hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phương Hằng

Tin xem nhiều