(ĐN)- Ngày 16-2, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
(ĐN)- Ngày 16-2, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Sông Thao |
Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban ngành của trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai có các đồng chí: Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các tổ chức hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác tín dụng chính sách.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao việc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đã chủ động triển khai Nghị quyết số 11. Phó thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 11 được xây dựng và triển khai nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phục hồi sau đại dịch. Do vậy, trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần chủ động, sáng tạo khi áp dụng các chương trình cho vay tín dụng chính sách nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu về nguồn vốn vay ở từng địa phương.
Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp nhằm không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện và nhanh chóng đưa chính sách đến với đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung, quá trình thực hiện Nghị quyết số 11 đến với nhân dân nhằm thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ các tầng lớp nhân dân sớm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống xã hội...
Theo đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với nguồn vốn 38,4 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 11, gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập và trang trải chi phí học tập; Cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023.
Sông Thao