Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành chăn nuôi tổn thất trên 2,5 ngàn tỷ đồng vì dịch, bệnh

04:02, 11/02/2022

(ĐN) – Sáng ngày 11-2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022.

(ĐN) – Sáng 11-2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.

Năm 2021, một số dịch bệnh nguy hiểm vẫn xảy ra, gây tổn thất kinh tế trên 2,5 ngàn tỷ đồng và 53 người chết vì bệnh dại, giảm 25 người chết so với năm 2020. Cả nước có 125 xã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm với trên 457 ngàn con gia cầm bị chết, tiêu hủy, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên 3.154 xã tại 60 tỉnh, thành trong cả nước; buộc tiêu hủy gần 288,7 ngàn con heo, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020. Hiện cả nước vẫn còn 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch, bệnh gần 21,2 ngàn ha, giảm 54,2% so với năm 2020.

Ngoài ra, các loại dịch bệnh phổ biến như: lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Đến nay, cả nước có khoảng 3.700 cơ sở, trang trại chăn nuôi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo đã xây dựng thành cơ sở, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Báo cáo tại điểm cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có cơ chế lưu trữ vaccine, hóa chất và rút ngắn quy trình, thủ tục để cung ứng kịp thời cho các tỉnh, thành khi xảy ra dịch, bệnh. Các quyết định, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực chăn nuôi cần sớm được hoàn chỉnh để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch hàng năm. Cục chăn nuôi sớm có hướng dẫn cho địa phương trong thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý ngành chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, vật tư chăn nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi... Kiến nghị nên để riêng bộ phận thú y (không nên sát nhập với một số ngành khác như đề xuất trước đó) để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi trong năm 2022 rất nặng nề với tổng đàn chăn nuôi tăng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu đề ra, việc triển khai Luật Thú y và triển khai những nghị quyết liên quan là rất quan trọng. Đề nghị các tỉnh phải quan tâm kiện toàn lại hệ thống thú y, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tập trung phòng chống dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi như: dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục…Các địa phương quan tâm xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh; giám sát hoạt động giết mổ; quản lý thuốc, vaccine…

 Bình Nguyên

Tin xem nhiều