(ĐN) - Chiều 28-2, Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả năm 2021 và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2022.
(ĐN) - Chiều 28-2, Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả năm 2021 và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Tiến Sỹ chủ trì hội nghị |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 4 xã: Đại Phước, Phước Thiền, Vĩnh Thanh, Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch) với tổng số lượng heo bị tiêu hủy là 35 con; phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) và nguy cơ dịch này bùng phát trong thời gian tới nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Trong năm 2021, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 75 hộ và 2 trại heo trên địa bàn 31 xã của 8 huyện với tổng số lượng heo bị tiêu hủy là 2.347 con, trọng lượng gần 136 tấn. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở 307 hộ tại 23 xã, phường của 7 huyện, thành phố. Có 619 con trâu, bò bị bệnh, tiêu hủy 117 con và đến nay dịch bệnh này đã được khống chế. Trong đó, các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại nhỏ chưa thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh dịch tễ.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Tiến Sỹ đánh giá, với tình hình dịch gia súc, gia cầm đang diễn biến tại Việt Nam và Đồng Nai từ đầu năm đến nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống dịch năm 2022. Vì vậy, đề nghị các ngành, địa phương tập trung phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2022; củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện; phân công các thành viên phụ trách và chịu trách nhiệm theo dõi, nắm bắt thông tin và thành lập, củng cố Đội phản ứng nhanh với dịch bệnh trên từng xã, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1-2022.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền sâu rộng về dịch bệnh bằng nhiều hình thức cần được quan tâm nhằm nâng cao nhận thức của cơ sở chăn nuôi về thực hiện phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi không tổ chức tiêm phòng theo quy định. Đối với những khu vực có nguy cơ cao, cần tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện xử lý không để dịch bệnh lây lan. Riêng 2 huyện: Trảng Bom và Vĩnh Cửu tổ chức ngay tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch cúm gia cầm H5N1 để ngăn chặn dịch lây lan.
Bình Nguyên