(ĐN) - Sau khi nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm như: buồn chán, bi quan, mất tập trung, lo âu, stress.
(ĐN) - Sau khi nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm như: buồn chán, bi quan, mất tập trung, lo âu, stress. Theo các bác sĩ, trầm cảm là bệnh có thể điều trị được và việc điều trị phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định. Việc sử dụng thuốc cũng phải phù hợp với từng người bệnh cụ thể, bởi mỗi bệnh nhân có những hoàn cảnh khác nhau.
Một bệnh nhân bị trầm cảm sau khi khỏi bệnh Covid-19 đến khám bệnh tại một bệnh viện trong tỉnh |
ThS-BS.Phí Thị Lệ Tân, khoa Nội tổng quát Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, có nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm Covid-19, điều trị khỏi bệnh đã đến khám tại bệnh viện với những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Có bệnh nhân luôn thấy buồn chán, lo lắng về khả năng hồi phục sức khỏe của mình. Có những bệnh nhân kém tập trung, luôn thấy stress, rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, đau đầu, suy nhược thần kinh, có biểu hiện kích động hoặc kích thích.
Theo BS Tân, có nhiều lý do ảnh hưởng đến trầm cảm trong khi mắc Covid-19 và hậu Covid-19. Có người lo lắng, sợ mình sẽ làm lây bệnh cho người khác hoặc cảm thấy day dứt khi đã lây bệnh cho người khác. Thời gian điều trị bệnh trong bệnh viện kéo dài, cách ly với xã hội bên ngoài cũng khiến bệnh nhân có cảm giác cô đơn. Ngoài ra, những yếu tố khác cũng khiến cho tâm lý của người đã từng nhiễm Covid-19 bất ổn như lo lắng căng thẳng kéo dài về tình hình sức khỏe, bệnh tật của mình hoặc cảm thấy đau khổ vì mất người thân do Covid-19; dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến công việc khiến công việc không suôn sẻ, bị mất việc, thu nhập giảm sút…
BS Tân khuyến cáo, khi có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và hướng dẫn điều trị. Người bệnh cũng nên thiết lập cho mình một thời gian biểu với những hoạt động lành mạnh, vui tươi, tăng cường tập luyện thể dục thể thao, hạn chế đọc, tiếp nhận những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần duy trì các mối quan hệ xã hội tốt, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh. Trường hợp phải dùng thuốc thì phải được sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc nghe theo các bài thuốc truyền tai từ người này sang người kia để tránh những hậu quả đáng tiếc.
An Yên