(ĐN)- Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh vào sáng 1-3, Sở GD-ĐT cho hay, sau 2 tuần học trực tiếp, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10,6 ngàn học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19...
(ĐN)- Sáng 1-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh so với tuần trước đó, chủ yếu là trong trường học, ở lứa tuổi dưới 18. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng tiếp nhận điều trị khoảng 30-40 bệnh nhi mắc Covid-19, mức độ chủ yếu từ nhẹ đến trung bình.
Do số ca mắc Covid-19 tăng cao nên trên thị trường hiện rất khan hiếm kit test nhanh. Riêng thuốc kháng virus Molnupiravir, mặc dù đã được cấp phép lưu hành nhưng việc mua bán còn khó khăn do yêu cầu người bệnh phải có giấy xác nhận và chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, có thực tế hiện nay là nhiều người dân bị F0 nhưng không khai báo mà tự điều trị tại nhà.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 đang tiếp tục được triển khai song gặp phải một số khó khăn do người dân bận đi làm, không sắp xếp được thời gian; việc cập nhật thông tin tiêm chủng còn có sự chênh lệch về số liệu…
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, trong tuần qua, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp giảm nhẹ do liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Từ ngày 14-2 đến ngày 27-2, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9,5 ngàn học sinh và hơn 1,1 ngàn giáo viên nhiễm Covid-19. Để đảm bảo công tác phòng dịch, có khoảng hơn 9,7 ngàn học sinh và 146 lớp học trên địa bàn tỉnh đang tổ chức học trực tuyến. Từ ngày 1-3, có thêm 19 trường ở TP.Biên Hòa cũng quay trở lại học trực tuyến do địa bàn được đánh giá ở cấp độ dịch nguy cơ cao.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Về vấn đề đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên bị F0, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhắc nhở các cơ sở giáo dục đánh giá đúng nhằm khuyến khích giáo viên trong quá trình công tác, không xử lý cứng nhắc, ảnh hưởng đến tư tưởng và tâm lý của giáo viên.
Kết luận tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị khởi động lại việc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ và lãnh đạo các sở, ngành phụ trách, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Từ khi thực hiện Chỉ thị số 02 thay thế Chỉ thị số 20 của UBND tỉnh đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn duy trì được cấp độ 1 (vùng xanh) cho thấy sự nỗ lực lớn của ngành Y tế, các địa phương, Sở, ngành liên quan. Công tác điều trị tiếp tục được đảm bảo, số ca tử vong và bệnh nặng giảm đáng kể.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ổn định. Các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động vẫn đang diễn ra. Do đó, đề nghị Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hút lao động, bổ sung nguồn lực cho các doanh nghiệp phục vụ phát triển sản xuất.
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông trong tỉnh đã làm tốt công tác truyền thông về hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong tình hình hiện nay, giải pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan là 5K + vaccine + thuốc điều trị + biện pháp y tế + công nghệ thông tin. Toàn thể người dân và các sở, ban, ngành, địa phương cần nỗ lực thực hiện tốt những biện pháp trên để duy trì ổn định cấp độ 1 trên toàn tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng lưu ý, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, đặc biệt là trong trường học. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình thức dạy học hợp lý. Không chủ quan, lơ là nhưng cũng không nên lo lắng thái quá gây hoang mang trong nhân dân. Cần bình tĩnh để triển khai các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Về công tác tiêm chủng, ngành Y tế cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hơn nữa, chú trọng việc tiêm mũi 3 sớm cho đối tượng công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, lao động tự do. Tiếp tục duy trì hoạt động của trạm y tế lưu động và các Tổ Covid cộng đồng, tránh quá tải cho ngành Y tế trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.
Tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về hiệu quả của việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi để khi Bộ Y tế triển khai thì thực hiện ngay, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch và quản trị xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Khuyến cáo các cơ sở y tế tư nhân đưa ra mức giá dịch vụ xét nghiệm và thuốc điều trị hợp lý. Thanh tra Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tình hình, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá kit test, thuốc lên cao. Các nhà thuốc, cơ sở y tế phải có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng thuốc kháng virus cho người dân, tránh sử dụng thuốc sai chỉ định.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế, các đơn vị liên quan và UBND H.Xuân Lộc tính toán việc trả mặt bằng, di dời trang thiết bị máy móc tại Bệnh viện dã chiến số 11. Về đề xuất của UBND TP.Biên Hòa thành lập khu điều trị ở Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, giao Sở Y tế, TP.Biên Hòa trao đổi thống nhất biện pháp với nhà trường. Với những kiến nghị của Sở Y tế liên quan đến công tác tiêm chủng, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo tháo gỡ.
Hạnh Dung