(ĐN)- UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã.
(ĐN)- UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã.
Cán bộ công chức viên chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch (ẢnhTL minh họa) |
Bên cạnh đó là hướng dẫn các nội dung triển khai về kinh tế số, xã hội số, nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khoẻ từ xa, cũng như khám chữa bệnh từ xa.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong phát triển chính quyền số cấp xã, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số cấp xã, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số (giáo dục thông minh; y tế thông minh)…
Cụ thể, đối với phát triển chính quyền số cấp xã, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu 100% văn bản được ký số và được gửi, nhận, xử lý trên môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định. Lãnh đạo cấp xã được triển khai ứng dụng ký số qua điện thoại để thuận tiện trong việc xử lý văn bản. 100% thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp đầy đủ tài khoản trên hệ thống cũng như sử dụng hệ thống một cách thường xuyên. Đưa vào khai thác, sử dụng tất cả các ứng dụng dùng chung từ Trung ương xuống địa phương đảm bảo việc triển khai thông suốt, hiệu quả.
Cùng với đó, triển khai ứng dụng, công nghệ nhằm hỗ trợ thêm cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã như: phần mềm quản lý tài sản, phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản lý nhân sự... Mỗi xã có tối thiểu một kênh giao tiếp với người dân.
Về xây dựng hạ tầng số, hạ tầng, thiết bị mạng nội bộ của UBND cấp xã phải được thiết kế, đầu tư, tái cấu trúc đảm bảo tuân thủ theo mô hình mạng tiêu chuẩn, triển khai thiết bị giám sát an toàn an ninh mạng cho hệ thống mạng cấp xã. Đảm bảo mỗi xã có 1 hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đầu tư, nâng cấp hoặc mở rộng hệ thống đài truyền thanh hiện có trong đó ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo trong việc phát thanh.Thiết lập, đa dạng hoá kênh giao tiếp giữa chính quyền xã và người dân phục vụ cung cấp thông tin tình hình kinh tế xã hội, chỉ đạo, phản ánh, kiến nghị…
UBND tỉnh nhấn mạnh, trong quá trình triển khai xây dựng chuyển đổi số cấp xã tại các địa phương, yếu tố về con người, đặc biệt là người lãnh đạo các cấp đóng vai trò quan trọng và quyết định việc triển khai thành công hay thất bại. Để đảm bảo việc triển khai xây dựng chuyển đổi số cấp xã có thể thành công, cần yêu cầu cả bộ máy chính trị. Cần lựa chọn những xã đảm bảo đầy đủ các yếu tố để triển khai, đặc biệt là yếu tố con người, các nguồn lực để triển khai như kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, trước khi mở rộng trên toàn bộ địa bàn các xã…
Hồ Thảo