Tối 26-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch Xanh"...
Tối 26-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch Xanh”. Cùng dự có nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia năm 2022. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội mở đầu trong chuỗi các sự kiện Năm Du lịch quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, là dịp để giới thiệu các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch, thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bền bỉ, linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, chú trọng chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới. Cùng với cả nước, Quảng Nam khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học. Ngày 4/12/2021, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Tiêu chí du lịch Xanh áp dụng cho các điểm đến và các doanh nghiệp làm du lịch.
Chính vì vậy, Năm du lịch quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch Xanh” là nhằm mong muốn truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp muôn nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột.
* Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký gửi thông điệp về phát triển du lịch xanh bảo vệ môi trường và hành tinh xanh. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị ổn định, an ninh, an toàn.
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước – công nghiệp không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.
Trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch và Nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo…
Du lịch và hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu gửi thông điệp về phát triển du lịch xanh bảo vệ môi trường và hành tinh xanh |
Điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành cơ”. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định và xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với Lễ Khai mạc, chúng ta kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá, nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững kinh tế-xã hội của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.
Cũng nhân Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện để phát triển du lịch.
* Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chương trình nghệ thuật được thực hiện tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên những đại cảnh phức hợp, nhiều màu sắc nghệ thuật. Ảnh Dương Giang-TTXVN |
Thủ tướng đề nghị tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch Quốc gia 2022, đó là: môi trường du lịch có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái.
“Các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất nhưng có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tuân thủ các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19; tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; hình thành hệ sinh thái du lịch xanh, thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước; đầu tư phát triển các mô hình, loại hình du lịch hướng tới sự bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ; đảm bảo việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch.
Thủ tướng yêu cầu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch và kinh tế nói chung. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo và đa dạng.
* Chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, văn minh, thân thiện và bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật được thực hiện tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên những đại cảnh phức hợp, nhiều màu sắc nghệ thuật. Ảnh: Dương Giang-TTXVN 2 |
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công tư; tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Thêm vào đó, cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn và liên tục của du khách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; cùng với chủ đề chung này, những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là “Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối”.
Tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bí thư tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đã ký vào quả bóng xanh, khẳng định và gửi đi thông điệp phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh.
TTXVN