Sáng 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I-2022; triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;...
Sáng 5-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I-2022; triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Tham dự hội nghị có các Phó thủ tướng: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PHẠM TÙNG |
Tại điểm cầu Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.
* Kiến nghị tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp
Tại hội nghị, báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, trong quý I-2022, GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng 6,14%. Với quy mô nền kinh tế khá lớn, theo nhận định của UBND tỉnh, mức tăng trưởng như trên sẽ tạo đà để Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng trong những quý tiếp theo. Về xuất - nhập khẩu, Đồng Nai đạt mức xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD với phần lớn các mặt hàng đang phục hồi tốt, phục vụ cho công tác xuất - nhập khẩu.
Quý I-2022, Đồng Nai đã thu ngân sách đạt 35% dự toán của cả năm. Công tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho địa phương tăng tốc phát triển, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ ưu tiên thêm các cơ chế cho địa phương, đặc biệt là tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp (KCN).
Mới đây, Đồng Nai đã nhận được phân bổ chỉ tiêu đất phát triển KCN cho địa phương đến năm 2030 là 18,5 ngàn ha. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với chỉ tiêu này, địa phương nhận thấy rất khó để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhằm tận dụng các tiềm năng, lợi thế. “Trong khu vực đang rất sôi động, địa phương sẽ có sân bay, cảng biển và các điều kiện rất tốt để phát triển thì chỉ tiêu này rất khó để Đồng Nai, nhất là các địa phương miền núi của tỉnh có thể phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường giao thông do tỉnh đầu tư khi hoàn thành sẽ kết nối rất tốt cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phát triển công nghiệp. Do đó, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu đất phát triển KCN cho địa phương.
* Bám sát tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Đối với các dự án giao thông trọng điểm của Trung ương đang triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đánh giá địa phương đang kiểm soát tốt tình hình và đảm bảo tiến độ.
Cụ thể, đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hiện chỉ còn đất của 1 hộ dân trên địa bàn H.Thống Nhất chưa xử lý xong. “Trong tuần sau, nếu không thỏa hiệp được thì địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế để hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguồn vật liệu san lấp hiện đã được tỉnh giải quyết để đảm bảo cho các nhà thầu thi công” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đồng Nai đang chờ chủ trương của Chính phủ để thực hiện. Tỉnh cũng sẽ có cam kết về nguồn vốn để đảm bảo nguồn lực thực hiện dự án. Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh đã tiếp xúc với một số đơn vị nghiên cứu đầu tư đường vành đai 4-TP.HCM theo hình thức BOT. Đồng thời, Đồng Nai cũng đã quy hoạch, xác định các vị trí khai thác quỹ đất lợi thế tạo vốn cho dự án; yêu cầu các địa phương có dự án đi qua chuẩn bị trước các khu tái định cư để khi có nhà đầu tư là triển khai thực hiện nhanh.
Đối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai đã chủ động quy hoạch xây dựng trước các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân. Khi dự án được triển khai, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thành sớm.
Tương tự, hiện UBND tỉnh đã chuẩn bị sẵn báo cáo để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sẽ được tổ chức vào giữa tháng 4 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất rừng thuộc dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho dự án.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Đồng Nai đã bàn giao diện tích đất hơn 2,1 ngàn ha trong tổng số hơn 2,5 ngàn ha phục vụ dự án giai đoạn 1. Nói về tình trạng “xôi đỗ”, “da beo” trong diện tích mặt bằng đã bàn giao, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, các thửa đất còn lại là những thửa đất phức tạp về nguồn gốc, có sự tranh chấp, kiện tụng. Do đó, địa phương cũng phải có quy trình xử lý phù hợp. “UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ tịch UBND H.Long Thành tập trung tối đa cho việc giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. Đồng Nai đã thực hiện rất quyết liệt để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH cho rằng, trong quý I-2022, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp. Trong quý II-2022, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: thúc đẩy chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế; coi trọng công tác phát triển văn hóa, GD-ĐT, chú trọng công tác an sinh xã hội, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tập trung rà soát thể chế, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững độc lập chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc; triển khai thực hiện tốt các dự án giao thông trọng điểm và đẩy mạnh công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch. |
Phạm Tùng