Báo Đồng Nai điện tử
En

Mổ ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ điều trị ca thông liên nhĩ, hở van 3 lá nặng

03:04, 13/04/2022

(ĐN) - Ngày 13-4, TS.BS.Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, sau 1 tuần được phẫu thuật điều trị thông liên nhĩ và hở van 3 lá nặng, sức khỏe của bệnh nhân N.T.M.T. đã ổn định.

(ĐN) - Ngày 13-4, TS.BS.Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, sau 1 tuần được phẫu thuật điều trị thông liên nhĩ và hở van 3 lá nặng, sức khỏe của bệnh nhân N.T.M.T. đã ổn định.

Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật khó
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật khó

Cách đây 2 năm, chị T., 27 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa tình cờ phát hiện bị bệnh thông liên nhĩ. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 và hoàn cảnh gia đình nên chị T. chưa điều trị. Đến ngày 28-2, chị T., nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do mệt mỏi khi gắng sức. Không may, chị T. lại bị nhiễm Covid-19 nên đến ngày 7-4, các bác sĩ mới có thể tiến hành ca phẫu thuật ít xâm lấn, có nội soi hỗ trợ để vá lỗ thông liên nhĩ bằng màng ngoài tim, đồng thời sửa van 3 lá cho bệnh nhân.

Theo TS-BS.Tuấn Anh, đây là 1 kỹ thuật cao, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Các bác sĩ đã kết nối hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể qua những dụng cụ từ động mạch và tĩnh mạch đùi của bệnh nhân, kết nối hệ thống tim và phổi của bệnh nhân với máy qua 2 dụng cụ phía dưới đùi. Tiếp đến, mở 1 đường nhỏ dài từ 3 – 5 cm ở bên ngực phải của bệnh nhân, mở ngực, mở màng ngoài tim, lấy màng ngoài tim của bệnh nhân. Sau đó, tiến hành mở tim bên phải, bộc lộ lỗ thông liên nhĩ và van 3 lá bằng những sợi chỉ treo, dùng kim chỉ để vá lỗ thông liên nhĩ bằng màng ngoài tim của bệnh nhân. Tiếp theo, đặt 1 vòng van nhân tạo cho van 3 lá bị hở để làm kín van 3 lá. Sau khi hoàn thành thì đóng nhĩ phải, ngưng tuần hoàn ngoài cơ thể, rút các dây ra, đóng ngực, đùi lại.

Kỹ thuật này mới xuất hiện trên thế giới khoảng 15-20 năm. Tại Việt Nam cách đây 10 năm, các bệnh viện tuyến Trung ương đã bắt đầu triển khai, hiện nay đã thực hiện thường quy.  Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đây là trường hợp thứ 2 triển khai kỹ thuật này.

Với phương pháp này, bác sĩ không cần phải mổ hở một đường dài khoảng 25cm từ hõm ức ở cổ đến ngực của bệnh nhân, không phải cưa xương ức của bệnh nhân để phẫu thuật. Do đó, bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn, ít mất máu, hồi phục nhanh hơn. Đặc biệt, với những bệnh nhân nữ trẻ, kỹ thuật này mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp bệnh nhân không cảm thấy tự ti với vết sẹo dài từ cổ xuống ngực.

Để thực hiện được kỹ thuật này, yêu cầu ê kíp phẫu thuật phải có tay nghề, trình độ cao. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ nhịp nhàng của cả ê kíp gây mê hồi sức, chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể.

Thông liên nhĩ nếu để lâu ngày sẽ làm tim giãn ra, máu lên phổi nhiều hơn dẫn đến tổn thương không hồi phục của tim và phổi. Từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều