(ĐN) - Ngày 26-5, Ban TVTU tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh năm 2022. Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Tỉnh ủy...
(ĐN) - Ngày 26-5, Ban TVTU đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh năm 2022. Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Tỉnh ủy đến 14 điểm cầu ở các đảng ủy trực thuộc tỉnh. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường Tỉnh ủy có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nêu rõ, việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cấp là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết đặt ra trong tình hình hiện nay, qua đó nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để hội nghị bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt của tỉnh năm 2022 đạt kết quả như kế hoạch đề ra, cán bộ tham gia học tập nghiêm túc để bổ sung những kiến thức mới cho bản thân, từ đó vận dụng kiến thức tiếp thu được để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, giải pháp khả thi cho lĩnh vực công tác của ngành, địa phương mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Sau phát biểu khai mạc của Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, hội nghị được nghe TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT trao đổi chuyên đề Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới và những gợi ý đối với Đồng Nai.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và các đại biểu tham dự buổi học tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy |
TS.Lê Doãn Hợp cho biết, cụm từ Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 chính thức ra đời năm 2016. So với 3 cuộc CMCN trước, CMCN lần thứ 4 có nhiều cái khác, như: vừa ra đời thì CMCN lần thứ 4 đã được loài người đặt tên (3 cuộc CMCN trước, phát triển lên tới đỉnh cao thì loài người mới đặt tên); CMCN lần thứ 4 cả thế giới tiếp cận được như nhau (3 cuộc CMCN trước chỉ diễn ra ở các nước phát triển tiên tiến); CMCN lần thứ 4 giải phóng lao động trí óc (3 cuộc CMCN trước giải phóng lao động chân tay)… Cuộc CMCN lần thứ 4 phát triển thần tốc, kỳ diệu, ngoạn mục, ngoài sự tưởng tượng của con người. CMCN lần thứ 4 là “cơ hội vàng” để quản trị quốc gia một cách tốt nhất. Khi thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số thì không thể nói một đằng, làm một nẻo mà nói phải đi đôi với làm, vì mọi thứ đều đã được giám sát bằng công nghệ.
Để thực hiện Chính phủ điện tử hay chính quyền điện tử, trước hết cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, thể chế và có con người đam mê với công nghệ thông tin. Đồng Nai là cực tăng trưởng của đất nước, việc ứng dụng cuộc CMCN lần thứ 4 là yếu tố quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh, theo kịp với thời đại mới…
Tại hội nghị, cán bộ chủ chốt toàn tỉnh còn được nghe PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II thông tin chuyên đề Xây dựng kinh tế tuần hoàn và những gợi ý đối với Đồng Nai.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, có thể hiểu kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay vòng trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, sức khỏe con người và giúp chúng ta phát triển bền vững.
TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT trao đổi chuyên đề "Chuyển đổi số quốc gia..." tại hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức |
Kinh tế tuần hoàn giúp giảm gánh nặng lên môi trường ở ít nhất hai phương diện: giảm thiểu và tiến tới không còn rác thải; bảo vệ, giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng “thô” và các nguyên vật liệu trong tự nhiên. Kinh tế tuần hoàn tạo ra các “cơ hội” phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế và sáng tạo thời kỳ CMCN 4.0. Giải quyết các vấn đề liên quan tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn…
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, Việt Nam chưa “mạnh tay” trong giải quyết các vấn đề về môi trường và công nghệ của quốc gia một cách triệt để; trong khi các nước phát triển đã thương mại hóa “công nghệ xanh”. Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu yêu cầu tất yếu phải phát triển kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nước ta đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó tạo dựng hành lang pháp lý rõ ràng trong việc hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, các địa phương cần triển khai nghiên cứu sâu về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với thực tiễn của địa phương mình. Đẩy mạnh thu hồi vật liệu và hạn chế rác thải khó tái chế. Phân loại rác tại nguồn. Tìm nguồn năng lượng thay thế những năng lượng hiện không thể tái tạo bằng những vật liệu thân thiện mội trường…
Tin: Phương Hằng; ảnh: Huy Anh