(ĐN) - Ngày 13-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An trên lĩnh vực quản lý hoạt động KH-CN và chuyển đổi số; việc thành lập Tổ Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
(ĐN) - Ngày 13-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An trên lĩnh vực quản lý hoạt động KH-CN và chuyển đổi số; việc thành lập Tổ Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều cơ chế chính sách và giải pháp hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số và hoạt động KH-CN. Đặc biệt, Nghệ An đã thành lập Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh. Thông qua buổi làm việc, các sở, ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai sẽ có thêm kinh nghiệm để thực hiện tốt việc tham mưu xây dựng các kế hoạch, cơ chế tài chính và đề xuất các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chuyển đổi số, KH-CN nói riêng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (thứ 2 từ phải qua) trao quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV |
Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh. Việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin được tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng; việc dạy và học tin học trong các trường đại học, cao đẳng, phổ thông có bước phát triển tích cực. Công tác đảm bảo an toàn thông tin bao gồm: quản lý nhà nước và an toàn thông tin; thực hiện giám sát, bảo vệ; định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia được triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả.
Về phát triển kinh tế số, tính đến tháng 11-2021, tỉnh Nghệ An có trên 24 ngàn doanh nghiệp, với hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó có 36 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã khai thác tốt các lợi ích của internet trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng tốt mạng xã hội, các nền tảng internet để phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, các dịch vụ liên quan đến GD-ĐT…
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của 2 tỉnh cũng đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà tỉnh Đồng Nai quan tâm.
Hạnh Dung