Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 8-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 8-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực ngân hàng. Trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Phiên chất vấn cho thấy sự quan tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), với 68 ĐBQH đăng ký chất vấn Thống đốc NHNN.
Nhóm vấn đề về ngân hàng được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi gồm: cơ chế cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng) hàng năm cho các ngân hàng thương mại; xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, cho vay ngang hàng qua app (ứng dụng trên điện thoại), đầu tư tiền ảo; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN…
* Giải pháp nào để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Về vấn đề chính sách tiền tệ, dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách người đứng đầu NHNN, đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Tương tự, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đặt câu hỏi, cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tín dụng bất động sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Đối với tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, NHNN có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. NHNN cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.
Với thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, nếu để trường hợp “mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn”. Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.
Đại biểu đoàn Đồng Nai đặt câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội khen hay, mới Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt ra câu hỏi, hiện tại hầu hết các ngân hàng đều đã hết room (hạn mức) tín dụng và việc cho vay đang rất khó khăn, trong khi nhu cầu vay lớn. Và liệu việc áp dụng quy định về “room tín dụng” có quá mang tính hành chính hay không và “bao giờ bỏ được kiểu quản lý này, thay bằng quản lý theo năng lực của tổ chức tín dụng?” Đây câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét là “câu hỏi hay, cũng là vấn đề lần đầu tiên được đặt ra tại nghị trường Quốc hội”. Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là nội dung trọng tâm trong điều hành của NHNN. Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng với tỷ lệ lên đến 124% tính trên GDP, nằm trong số cao nhất thế giới. Do đó, khi nền kinh tế gặp bất kỳ “cú sốc” nào, sẽ ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng và có thể gây hệ luỵ đến cả nền kinh tế. NHNN đã áp dụng cách quản lý “room tín dụng” từ năm 2011 và thấy rất hiệu quả, giúp đưa hệ thống tín dụng vào khuôn khổ. Trước đó, có những năm tăng trưởng tín dụng lên đến 30% rồi 53%, tạo ra các cuộc đua lãi suất để có tiền cho vay. “Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo chuẩn mực quốc tế và sẽ tìm cách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn đa dạng hơn, tránh lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Các hạn mức tín dụng hàng năm phân bổ cho các tổ chức tín dụng cũng theo nguyên tắc phân loại các tổ chức tín dụng đó. Tát cả là nhằm mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa giữ an toàn cho toàn hệ thống” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định. |
* Cần tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận gần hơn các gói tín dụng
Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc NHNN cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được NHNN quan tâm. NHNN đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của NHNN chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng NHNN đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.
Theo Thống đốc NHNN, Nghị quyết 43/2022/QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc NHNN, nhà nước đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động vay ngang hàng
Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên, việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Về nội dung này, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
* Làm rõ khái niệm tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) hỏi quan điểm của về nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia và đề nghị Thống đốc làm rõ tiền ảo, tiền kỹ thuật số và nêu khuyến nghị.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Sẽ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen |
Thống đốc NHNN cho biết: Trên thực tế còn có khái niệm tiền ảo mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như đồng Bitcoin. Đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà là do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Đối với đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định thôi. Ví dụ như cộng đồng game hay sàn công nghệ. Ở mỗi một quốc gia có cách thức quản lý khác nhau đối với loại tiền này.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý và NHNN được giao vai trò phối hợp với các cơ quan chức năng. Về đồng tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dang tiền điện tử chứ không phải là tiền giấy, tiền xu. Đồng tiền kỹ thuật số hiện nay các nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và nhiều nước thì thử nghiệm. Đối với Việt Nam, Chính phủ cũng giao cho NHNN thành lập bộ phận nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số này.
Đặc biệt, đối với Mobile Money, Thống đốc NHNN cho biết, thời gian qua thì các bộ, ngành cùng với NHNN đã tham mưu trình Chính phủ để tổ chức triển khai Mobile Money. Hiện NHNN đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai, tính đến cuối tháng 3 năm nay có khoảng 1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm, số lượng giao dịch đã đạt 8,5 triệu giao dịch. Thống đốc NHNN cũng thông tin về tình hình phát triển điểm kinh doanh tiền mobile money và phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán. NHNN cùng với các bộ, ngành cũng theo dõi, đánh giá trị của đồng tiền này và sẽ tổng kết thí điểm để có thể tham mưu, đề xuất trong thời gian tới...
* Tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang về các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, "tín dụng đen" là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen. NHNN được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, thời gian vừa qua NHNN đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống. Hiện nay, NHNN đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.
Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. NHNN cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước…
Hải Quân