Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiên cứu kỹ để có các quy định tối ưu trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

07:06, 13/06/2022

Thực hiện chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...

Thực hiện chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 13-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm. Sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.

Trước thực trạng đã và đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời, cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, Chương III của dự thảo luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý…

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 13-6
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 13-6. Ảnh: Hải Yến

Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tất cả các ý kiến đóng góp không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này mà nhấn mạnh nỗ lực của toàn ngành Y tế; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những bất cập nhưng cũng làm nổi bật kết quả của ngành Y tế nói chung và công tác khám, chữa bệnh riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Trong điều kiện của một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, nhưng rất nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, một số mặt công tác y tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới; công tác khám, chữa bệnh của y tế Việt Nam được đánh giá, xếp thứ hạng tương đối tốt.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả đó, ngoài nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của chính quyền từ Trung ương đến địa phương còn có sự nỗ lực trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, sự tham gia của người dân, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn. Trong thời gian thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm hiện đã đạt trên 91%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị, phù hợp với xu thế của quốc tế, tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam để có các quy định tối ưu trong dự thảo luật tới đây sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội và để trình ra Quốc hội…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, đã có 27 ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp thuộc về quy định của luật, quy định của các văn bản dưới luật; hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho trúng, toàn diện và đảm bảo tính khả thi.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

* Chiều cùng ngày, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

L.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều