Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo an toàn tín dụng, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi, phát triển

08:06, 08/06/2022

Ngày 8-6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã tiến hành 2 phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 8-6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành 2 phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Phát biểu mở đầu phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Phát biểu mở đầu phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Ảnh: quochoi.vn

Trong ngày 8-6, nghị trường Quốc hội tiếp tục “nóng” với các phiên chất vấn và thu hút hơn 100 đại biểu đăng ký chất vấn. Nhóm vấn đề tài chính, ngân hàng với những “từ khóa” đang được xã hội quan tâm như: chống lạm phát, giảm lãi suất, minh bạch thị trường chứng khoán, xe sang “né” thuế, kìm giá xăng, dầu…

* Lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát

“So với các quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan… thì chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn thấp hơn và đang trong giới hạn chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép. Phân tích cơ cấu lạm phát, chúng tôi thấy rằng, do đang phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài nên Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh khi giá thế giới tăng” - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về điểm nghẽn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về điểm nghẽn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thế mạnh của Việt Nam là tự chủ được lương thực, thực phẩm (chiếm 40% CPI) cũng là thời điểm “vàng” để có thể xuất khẩu nhóm hàng này.

Về giảm thuế đối với xăng, dầu để kìm giá, Bộ trưởng cho biết, so với các nước láng giềng như: Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng, dầu ở Việt Nam vẫn cao hơn. Vấn đề “có giảm thuế hay không” thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng, dầu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

“Luân chuyển cán bộ thì chúng tôi làm rất nghiêm, nhiều vị trí không được giữ quá 5 hoặc 8 năm. Mỗi năm, chúng tôi luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ. Cách luân chuyển là đầu năm nay đưa ra danh sách luân chuyển của năm sau, từ địa phương này sang địa phương khác. Ngoài ra, còn luân chuyển nội bộ cơ quan liên tục” - Bộ trưởng Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC trả lời câu hỏi của đại biểu về việc luân chuyển cán bộ ở các vị trí “nhạy cảm” trong ngành.

* Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm

Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn DN nhà nước rất chậm và 2 vướng mắc lớn nhất khiến tiến độ cổ phần hóa cả nước rất chậm là: xác định giá trị DN và phương án sử dụng đất. Những vướng mắc này dễ dẫn đến các rắc rối pháp lý. Do đó, UBND các tỉnh cũng không mặn mà khi phê duyệt, DN cũng không nhiệt tình thúc đẩy khiến tiến độ cổ phần hóa rất chậm.

Về trách nhiệm của các cơ quan trong vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính làm rõ, Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT tổng hợp theo dõi. Bộ Tài chính được giao theo dõi cổ phần hóa và phối hợp với các cơ quan hỗ trợ DN. Còn việc trực tiếp thực hiện là DN và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu. Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng, phải có một mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa.

Riêng với những DN quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động.

* Mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả

Trong phiên chất vấn buổi chiều, khá nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: vấn đề giảm lãi suất cho DN nhỏ, tiền kỹ thuật số, tín dụng đen, đòi nợ thuê, “ăn cắp” thông tin tài khoản… Trong đó nhiều câu hỏi băn khoăn về dòng tiền đã và đang “chảy” vào lĩnh vực bất động sản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời tại phiên chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng bất động sản vẫn là sự quan tâm lớn nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn, kỳ hạn dài, trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn.

“Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó” - Thống đốc Ngân hàng chia sẻ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đặt ra một câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khen là “câu hỏi rất hay, cũng là vấn đề lần đầu tiên được đặt ra tại nghị trường Quốc hội”. Đó là, hiện tại hầu hết các ngân hàng đều đã hết room (hạn mức) tín dụng và việc cho vay đang rất khó khăn, trong khi nhu cầu vay lớn. Và liệu việc áp dụng quy định về “room tín dụng” có quá mang tính hành chính hay không và “bao giờ bỏ được kiểu quản lý này, thay bằng quản lý theo năng lực của tổ chức tín dụng?”.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực tài chính. Ảnh: Hải Yến
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực tài chính. Ảnh: Hải Yến

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là nội dung trọng tâm trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng với tỷ lệ lên đến 124% tính trên GDP, nằm trong số cao nhất thế giới. Do đó, khi nền kinh tế gặp bất kỳ “cú sốc” nào, sẽ ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng và có thể gây hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cách quản lý “room tín dụng” từ năm 2011 và thấy rất hiệu quả, giúp đưa hệ thống tín dụng vào khuôn khổ. Trước đó, có những năm tăng trưởng tín dụng lên đến 30% rồi 53%, tạo ra các cuộc đua lãi suất để có tiền cho vay.

“Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo chuẩn mực quốc tế và sẽ tìm cách để DN có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn đa dạng hơn, tránh lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Các hạn mức tín dụng hàng năm phân bổ cho các tổ chức tín dụng cũng theo nguyên tắc phân loại các tổ chức tín dụng đó. Tất cả là nhằm mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa giữ an toàn cho toàn hệ thống” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Kim Ngân


Ông NGUYỄN DUY HƯNG, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai: Mong sớm tiếp cận gói vay vốn với lãi suất hỗ trợ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 20-5-2022 với mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với một số ngành được quy định trong nghị định nói trên, trong đó có ngành vận tải kho bãi. Việc hỗ trợ lãi suất cho vay sẽ góp phần giúp các DN trong lĩnh vực này có thêm nguồn vốn để đảm bảo hoạt động kinh doanh, từ đó giảm chi phí hoạt động khi giá xăng, dầu liên tục ở mức cao trong thời gian qua.

Nhiều DN rất mong ngóng gói hỗ trợ này được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng để DN tiếp cận được nguồn vốn đúng thời điểm. Đồng thời, mong muốn các ngân hàng sẽ có phương án thẩm định, đánh giá điều kiện, phương thức cho vay một cách phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục.

Ông CHU THẾ THÀNH, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thành Phát (TP.Biên Hòa): Cần có giải pháp để “hạ nhiệt” thị trường xăng dầu

Hiện nay, khó khăn trong lĩnh vực vận tải của chúng tôi là giá xăng, dầu liên tiếp ở mức cao khiến cho sức chống chịu của ngành vốn đã eo hẹp từ tác động của dịch bệnh Covid-19 nay càng khó khăn hơn. Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, DN về việc bình ổn giá xăng, dầu, giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng bởi giá xăng ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực khác.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết sẽ “Tiếp thu ý kiến đại biểu tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế với xăng, dầu”. Cộng đồng DN chúng tôi rất mong Bộ cũng như Chính phủ có quyết định sớm để vừa giúp đỡ DN, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế. Xăng dầu đã trở thành mặt hàng thiết yếu hàng ngày nên việc tính toán các loại thuế, phí cũng cần hợp lý hơn.

Lam Phương - Văn Gia (ghi)


 

Tin xem nhiều
Blog creditcard.com.vn chia sẻ kiến thức về thẻ tín dụng