Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 14-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 14-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 151 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ, trong phiên họp sáng 14-6 có 20 ĐBQH phát biểu ý kiến, 3 ĐBQH tranh luận. Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án luật quan trọng này, thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án luật. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đánh giá rất cao vai trò của Ban soạn thảo đã thể hiện sự nỗ lực, rất là trách nhiệm trong pháp điển hóa các quy định hiện hành vào dự án luật. Góp ý vào nội dung dự thảo luật, đại biểu cho rằng có hai phạm trù rất lớn, phạm trù dân chủ và phạm trù cơ sở đều là những vấn đề đã được cân nhắc rồi trao đổi còn nhiều quan điểm. Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, các cấu trúc của dự thảo luật này đã đáp ứng được phần nào, thể hiện quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân vào trong dự án luật này. Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan đến dự luật này (gần 20 dự án luật khác liên quan), đại biểu cho rằng, việc rà soát để bảo đảm tính thống nhất cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Về tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, cần đánh giá kỹ tính khả thi để tránh quy định mang tính chất để liệt kê và mang tính chất của nghị quyết hơn là văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu cho rằng, bàn về cơ sở xã, phường, thị trấn nhưng trong dự án luật lại nhắc nhiều đến thôn, tổ dân phố, cần làm rõ phạm vi về mặt cơ sở để bảo đảm tính khả thi này cần quan tâm đến nguồn lực cũng như việc chi trả, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác triển khai các quy định liên quan đến dân chủ…
Cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Buổi sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và Nghị quyết thành lập đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động.
P.V (tổng hợp)