Báo Đồng Nai điện tử
En

"Những câu hỏi nào trả lời thẳng, trả lời trực tiếp được thì sẽ trả lời thẳng, không né tránh"

12:06, 08/06/2022

Sáng 8-6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Sáng 8-6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Phát biểu mở đầu phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Ảnh: quochoi.vn

Nhóm vấn đề về tài chính với những “từ khóa” đang nóng trong xã hội như: chống lạm phát, thị trường chứng khoán, thất thu thuế, luân chuyển cán bộ ngành thuế và hải quan, xe sang “né” thuế, kềm giá xăng dầu, thu thuế từ các “ông lớn” như Google, Facebook… tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội và thu hút đến 79 đại biểu đăng ký chất vấn.

* Hai nguyên nhân chính làm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước “ngủ đông”

Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ năm 2016 đến 2021 đã thu được 204.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa. Tuy nhiên, mức thu từ năm 2018 đến nay đạt thấp.

Về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng cho biết so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Vấn đề “có giảm thuế hay không” thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giải pháp giảm thuế cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác. Bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc thuế mà còn phục thuộc quan hệ cung cầu. Theo đó, cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Hiện thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước rất chậm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 2 vướng mắc lớn nhất khiến tiến độ cổ phần hóa cả nước rất chậm là: xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất. Những vướng mắc này dễ dẫn đến các rắc rối pháp lý. Do đó, UBND các tỉnh cũng không mặn mà, doanh nghiệp cũng không nhiệt tình thúc đẩy. Điều này khiến tiến độ cổ phần hóa rất chậm .

Về trách nhiệm của các cơ quan trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp theo dõi. Bộ Tài chính được giao theo dõi cổ phần hóa và phối hợp các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp. Còn việc trực tiếp thực hiện là của doanh nghiệp và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu.

Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng, phải có 1 mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa. “Những doanh nghiệp nhà nước xác định rút thì rút hết, để doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh. Còn với những doanh nghiệp mà nhà nước xác định phải tham gia, thì nên giữ cổ phần chi phối” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Riêng với những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động.

* Lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát, song phải theo dõi rất kĩ

“So với các quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan… thì chỉ số lạm phát Việt Nam vẫn thấp hơn và đang trong giới hạn chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép. Phân tích cơ cấu lạm phát, chúng tôi thấy rằng do đang phụ thuộc nguyên vật liệu nước ngoài nên Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh khi giá thế giới tăng” - người đứng đầu bộ Tài chính phân tích.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, thế mạnh của Việt Nam là tự chủ được lương thực thực phẩm (chiếm 40% CPI), cũng là thời điểm vàng để có thể xuất khẩu nhóm hàng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời đại biểu về thẩm định giá, giá sách giáo khoa và giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời đại biểu về thẩm định giá, giá sách giáo khoa và giá xăng dầu. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tham gia phát biểu làm rõ hơn về kiểm soát lạm phát. Thống đốc giải trình trước Quốc hội: “Kiểm soát lạm phát đang là mục tiêu lớn của Chính phủ, đang được chỉ đạo quyết liệt. Trong 5 tháng qua, CPI đang kiểm soát được. Quan phân tích thì nguyên nhân tăng CPI là do ảnh hưởng từ giá thế giới. Còn các gói kích thích kinh tế trong nước thì chưa giải ngân. Nếu giải ngân thì sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng, do đó chúng tôi sẽ theo dõi kĩ”.

“Điều cốt lõi của nền kinh tế là chính sách tiền tệ và tài khóa phải hướng đến doanh nghiệp và người dân. Khi doanh nghiệp phát triển, người dân có thu nhập thì rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Mọi nguồn lực phải dồn về cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, người dân làm ăn hiệu quả - đó là giải pháp căn cốt nhất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

* Các “ông lớn” như: Google, Facebook, Tik Tok… nộp thuế đủ, chưa phát hiện thất thu thuế từ biếu, tặng xe sang

Trả lời nhóm câu hỏi của các đại biểu về chống thất thu thuế, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, về thu thuế kinh doanh online, năm 2021 đã thu được 5 ngàn tỷ. Đầu năm 2022 đến nay thu được 1 ngàn tỷ. “Chúng ta đang có khoảng 100 sàn thương mại điện tử về dịch vụ, bán hàng… Chúng tôi đã thiết lập cổng thanh toán xuyên biên giới. Các “ông lớn” như Google, Facebook, Tik Tok và Microsoft đã nộp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. Thực sự quản lý lĩnh vực này cũng còn rất gian nan nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”- Bộ trưởng Phớc giải trình.

“Luân chuyển cán bộ thì chúng tôi làm rất nghiêm, nhiều vị trí không được giữ quá 5 năm hoặc 8 năm. Mỗi năm chúng tôi luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ. Cách luân chuyển là đầu năm nay đưa ra danh sách luân chuyển của năm sau, từ địa phương này sang địa phương khác. Ngoài ra còn luân chuyển nội bộ cơ quan liên tục. Hiện có 67 ngàn cán bộ công chức ngành tài chính, nhưng chúng tôi nhận được rất ít khiếu nại về vấn đề này” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời câu hỏi của đại biểu về việc luân chuyển cán bộ ở các vị trí “nhạy cảm” trong ngành.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, lĩnh vực này đang thất thu lớn, nhưng khi Bộ Tài chính đưa dự thảo thông tư là chủ sàn phải nộp thuế thay cho người kinh doanh thì “vấp phải phản ứng của dư luận nên “vẫn đang nghiên cứu tiếp”.

Về vấn đề xe biếu tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe qua đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm miễn bất cứ loại thuế nào. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề này. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành xác minh xử lý. Đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo các cục thuế, tổng cục hải quan, cục hải quan địa phương kiểm tra rà soát, định giá lại trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ”.

* Phải phát triển thị trường chứng khóan và trái phiếu minh bạch, đúng pháp luật

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Bộ Tài chính cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.

“Chưa có chủ trương nào hạn chế trái phiếu DN vì đây là kênh huy động vốn khá hiệu quả. Tuy nhiên, phải huy động đúng pháp luật, minh bạch, hiệu quả, không được sử dụng sai mục đích. Về quy mô, chúng ta vẫn còn dư địa để huy động, nhưng phải hiệu quả và minh bạch” - Bộ trưởng nói.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về điểm nghẽn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về điểm nghẽn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: quochoi.vn

Trong đó, tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Các đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM); Nguyễn Thành Công (Ninh Bình); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang); Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên); Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận); Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)… đã lần lượt nêu câu hỏi chất vấn tại nghị trường sáng 8-6.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định bản thân sẽ trả lời chất vấn trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội.Bộ Tài chính tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp hôm nay trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; trả lời thẳng, cụ thể các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Kim Ngân

Tin xem nhiều