Thảo luận tại tổ sáng 6-6 về chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đại biểu Quản Minh Cường nhấn mạnh, có khu công nghiệp mà không đầu tư đường cao tốc thì cũng vô nghĩa.
Thảo luận tại tổ sáng 6-6 về chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đại biểu Quản Minh Cường nhấn mạnh, có khu công nghiệp mà không đầu tư đường cao tốc thì cũng vô nghĩa.
ĐBQH Quản Minh Cường phát biểu tại phiên thảo luận Tổ |
Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, nếu không có đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, với hạ tầng giao thông như hiện tại, chỉ vận chuyển hành khách cũng đã rất tắc đường, chưa nói đến chuyên chở hàng hóa. Bình Dương và Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương có rất nhiều khu công nghiệp. Riêng hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, mỗi năm các khu công nghiệp đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ. Nếu không có đường có đường giao thông phát triển thì các khu không nghiệp sẽ không thể phát triển xứng tầm.
Còn các đường Vành đai 4 Thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và các dự án khác cũng tương tự như vậy, đại biểu đánh giá những dự án này hết sức cần thiết. Tán thành với đề xuất của Uỷ ban Kinh tế, đại biểu đề nghị làm đường cao tốc phải có tầm nhìn lâu dài, ít nhất mỗi bên phải có 5 làn, chưa tính cả đường gom. Nhưng trước mắt có thể thi công 2 làn chính và 1 làn cứu hộ. Để 4 làn ở giữa khi nào có nguồn lực, điều kiện kinh tế thì mở thêm, nhằm mục đích sau này không phải giải phóng mặt bằng thêm.
Về nguồn vốn, đại biểu cho biết, Đồng Nai sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh tham gia vào dự án với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đương với hơn 2.600 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh. Bước đầu, HĐND tỉnh đã thông qua 2.400 tỷ, cân đối đầu tư trung hạn đến năm 2025. Nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm, Đồng Nai cam kết bố trí đủ vốn tăng thêm (tương ứng với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng thêm đoạn qua địa bàn tỉnh).
Thảo luận tại tổ sáng 6-6 |
Đại biểu nhấn mạnh, vai trò của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những dự án hạ tầng điểm quốc gia cần triển khai xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến sau khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ có đóng góp to lớn, giúp giảm tải tuyến quốc lộ 51, hoàn thiện mạng lưới giao thông của khu vực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về kỳ vọng tiến độ hoàn thành của 5 dự án cao tốc trên vào năm 2026, đại biểu cho rằng, sẽ rất khó khăn để hoàn thành nếu không có quyết tâm lớn. Bởi thực tế chưa khi nào cùng lúc triển khai 5 dự án cao tốc như vậy. Đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lưỡng những thứ có thể tác động vào dự án như giá cả, nguồn lực, thiên tai…
Đối với những vấn đề khác tác động đến dự án, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, đó là tái định cư và giải phóng mặt bằng. Đơn cử như với dự án sân bay Long Thành, còn 300 hộ dân không có đất để tái định cư và không có tiền để hỗ trợ. Dù nguồn tiền vẫn còn nhưng do Quốc hội thông qua trần số lượng hộ được bồi thường. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung quyền cho UBND tỉnh trong trường hợp phát sinh thêm các hộ dân được đền bù.
Thảo Chi/daibieunhandan.vn