Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai cần tạo ra đột phá để dẫn dắt tăng trưởng vùng và cả nước

09:08, 02/08/2022

Chiều 2-8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai.

Chiều 2-8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Huy Anh

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Nhìn nhận rõ những thành tựu và hạn chế

Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, những năm qua kinh tế của Đồng Nai tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính theo giá hiện hành đến năm 2021 đạt hơn 390.253 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,8 tỷ USD) gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Với kết quả đạt được của tỉnh, Đồng Nai được Bộ KH-ĐT đánh giá có đóng góp GRDP vào quy mô GDP quốc gia đứng thứ 4 cả nước (sau TP.HCM, TP.Hà Nội và tỉnh Bình Dương). Do vậy, tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế của Đồng Nai ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế của cả nước là rất lớn.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong quá trình phát triển của tỉnh, quan trọng nhất vẫn phải tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai. Chú ý phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thành công Nghị quyết XI Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo. Đồng Nai phải trở thành đô thị thông minh với những đổi mới căn bản, toàn diện về hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn.

Báo cáo thêm với Chủ tịch nước và đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Nam bộ. Những năm qua kinh tế Đồng Nai luôn có sự tăng trưởng ổn định nhưng hiện nay so với một số tỉnh lân cận thì thu ngân sách của Đồng Nai không cao hơn, trong khi diện tích và dân số của Đồng Nai gấp 1,5-2 lần các địa phương đó.

Bên cạnh đó, trước đây khi nói về Đồng Nai thì công nghiệp là số 1 nhưng đến giờ Đồng Nai cũng chưa có khu công nghiệp đẳng cấp và chuyên sâu.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương. Ảnh: Huy Anh
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương. Ảnh: Huy Anh

Tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư hạ tầng xã hội. Đồng Nai có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước nhưng Trung ương để lại số chi trên đầu người của tỉnh Đồng Nai thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và các tỉnh có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Do đó, mặc dù tỉnh muốn chăm lo nhiều hơn cho con người nhưng nguồn lực lại hạn chế, cụ thể như trường học thiếu nên các lớp học ở TP.Biên Hòa có sĩ số rất cao; nếu không sớm xây thêm trường thì một số phường ở Biên Hòa có khả năng phải học ca 3 trong thời gian tới. Ngoài ra, việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu nên hệ thống giao thông ở Đồng Nai kém hơn các tỉnh lân cận.

Một khó khăn khác từ việc thiếu nguồn lực là tỉnh đề ra từ nay đến cuối năm 2025 chỉ đủ khả năng xây dựng 10 ngàn căn nhà ở xã hội, một con số khá khiêm tốn so với con số 1 triệu căn (trên cả nước) mà Thủ tướng đề nghị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Huy Anh

“Nếu chúng ta không có chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo, có thu nhập cao hơn thì Đồng Nai khó trở nên thịnh vượng, vì dân số quá đông, người lao động trong các khu công nghiệp lại chủ yếu là lao động phổ thông” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, thời gian tới, Đồng Nai quyết tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ kiên quyết khắc phục những cái sai trong quá trình phát triển “nóng” vừa qua của tỉnh…

Phải có những cơ chế để gỡ khó cho địa phương

Để tạo điều kiện cho Đồng Nai có đủ nguồn lực hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thông qua, Thường trực Tỉnh ủy đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận để tỉnh tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đường sắt là đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, nhằm tăng cường kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả công trình trọng điểm sân bay Long Thành.

Đồng Nai xin chủ trương điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành và sử dụng vốn đã bố trí khi triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đầu tư thêm tuyến giao thông kết nối với sân bay.

Để giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình xử lý hồ sơ về đất và tạo thuận lợi cho địa phương được triển khai thực hiện các dự án, Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1 ngàn ha; đất trồng lúa với quy mô dưới 200 ha.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc với tỉnh Đồng Na
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Ngoài ra, tỉnh đã đề xuất Chính phủ cho chuyển đổi khu công nghệ cao công nghệ sinh học thành Khu công nghệ cao Đồng Nai. Xem xét cho tỉnh triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp: Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn; di dời, hình thành Khu trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1…

Đồng Nai phải là một cực lan tỏa phát triển cho các địa phương lân cận

Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, người lãnh đạo cần nhìn được bất cập của đơn vị, địa phương mình để có lời giải, thoát ra được những khó khăn  nhằm đảm bảo cuộc sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Theo Chủ tịch nước, Đồng Nai có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tỉnh được biết đến như một trong những địa phương có nền công nghiệp ra đời sớm nhất, phát triển bậc nhất cả nước. Tiến trình công nghiệp của Việt Nam sẽ bị chậm nhịp nếu như thiếu vắng vai trò động lực và mang tính dẫn dắt của Đồng Nai cũng như một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng Nai là một trong 16 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương và là một trong 6 địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

GRDP của Đồng Nai những năm qua đã chiếm khoảng 12% GRDP của toàn vùng. Là tỉnh công nghiệp nhưng tỉnh đi đầu về xây dựng nông thôn mới; thu nhập và mức sống người dân nông thôn không quá chênh lệch với vùng đô thị. Chất lượng y tế và giáo dục thuộc nhóm tốt của cả nước. Tình hình an ninh trật tự xã hội cơ bản được đảm bảo.

Trong hai năm dịch bệnh Covid-19, Đồng Nai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do các lệnh đóng cửa nhà máy và giãn cách xã hội, gián đoạn cung ứng lao động và đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng nhờ nội lực mạnh, sự lãnh đạo hiệu quả của cấp ủy và sự đoàn kết của toàn dân, kinh tế Đồng Nai vẫn tăng trưởng khá.

Hiện nay sản xuất kinh doanh của Đồng Nai đang phục hồi nhanh, 6 tháng đầu năm nay kinh tế của tỉnh tăng 7,06%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và cao hơn tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Chủ tịch nước khẳng định, để có được kết quả trên là những nỗ lực, quyết tâm, tâm sức, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Đồng Nai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho tỉnh Đồng Nai
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Dịp này, Chủ tịch nước ghi nhận những cống hiến, phụng sự của đội ngũ y bác sĩ, những chiến sĩ công an, quân đội, các tình nguyện viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã cùng chung tay vượt qua đại dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được của tỉnh, Chủ tịch nước cho rằng, những thập niên trước, Đồng Nai nổi bật, nhưng những  năm gần đây, vị thế của Đồng Nai gặp nhiều thách thức.

Chủ tịch nước gợi ý, Đồng Nai cần phải là một cực lan tỏa phát triển cho các địa phương lân cận như Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, thay vì tiếp tục “dựa” vào TP.HCM để phát triển như triết lý của thời kỳ đầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đồng Nai thoát ly ra khỏi vùng TP.HCM mà vẫn phải đặt trong tổng thể lợi thế cạnh tranh chung của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy lợi thế của nhau và cùng chia sẻ cơ hội phát triển.

Đồng Nai cũng cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để tạo ra đột phá và dẫn dắt tăng trưởng vùng và cả nước.

Một số kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch nước giao các bộ tham dự tại cuộc họp ghi nhận, báo cáo Chính phủ chỉ đạo, xem xét giải quyết cụ thể.

Phương Hằng

Tin xem nhiều