Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác kinh tế là nội dung cốt lõi trong các hoạt động ngoại giao

08:09, 19/09/2022

(ĐN) - Chiều 19-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

(ĐN) - Chiều 19-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước - Ảnh: VGP

Tham dự hội nghị còn có Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành. Điểm cầu Đồng Nai có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng.

Theo Bộ Ngoại giao, thời gian qua, công tác ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế đặc biệt được chú trọng và triển khai quyết liệt. Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Mục tiêu là nhằm tạo lập môi trường hòa bình, hợp tác, tăng vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ trọng tâm ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế, Việt Nam đã chuyển nhanh sang các biện pháp để phục hồi kinh tế. Hàng trăm hoạt động ngoại giao, ngoại giao kinh tế đã được tổ chức trong hơn 8 tháng qua. Nhiều hoạt động tư vấn chính sách, góp phần tham mưu cho Chính phủ để ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, giữ mức tăng trưởng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Đồng Nai
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Đồng Nai

Tại hội nghị, đại diện các Đại sứ quán Việt Nam tại một số quốc gia trọng điểm đã khái quát tình hình sở tại, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ngoại giao kinh tế song phương. Đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn kiến nghị những chính sách nhằm gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và đẩy mạnh, phù hợp với tình hình thế giới; các quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ, đồng tình; nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”. Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan đánh giá kỹ về tình hình, nhận định thời cơ, thách thức, từ đó đề xuất kịp thời đề xuất chính sách phù hợp với tình hình thế giới, khu vực. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu đất nước và kết nối hợp tác, ngoại giao, khẳng định quan điểm độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế xuyên suốt của Việt Nam.

Về kinh tế, 3 nhiệm vụ quan trọng đối với kinh tế là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp để có thể nắm bắt thời cơ phát triển. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng là tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, tăng thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng thị trường xuất khẩu song song với giữ được vị thế, uy tín của hàng hóa, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Vương Thế

Tin xem nhiều