(ĐN) - Sáng 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 49 điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(ĐN) - Sáng 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 49 điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh. Cùng dự có Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng.
Hội nghị đã đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giám sát năm 2022. Các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện hai chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2023. Đó là chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 được góp ý gồm “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo tại hội nghị.
Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát; qua đó, nhằm phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực…
Hồ Thảo