Báo Đồng Nai điện tử
En

Đông Nam bộ phải có "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới"

03:11, 26/11/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ đề "Tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới" vào ngày 26-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (Nghị quyết số 24) của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ đề “Tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới” vào ngày 26-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HẢI

Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về phía tỉnh Đồng Nai có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh tham dự hội nghị.

Nhiều mục tiêu cụ thể

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ tập trung chỉ đạo thực hiện.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.Ảnh: HOÀNG HẢI

Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14,5 ngàn USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10 ngàn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%...

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng Đông Nam bộ về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Cần gỡ các “nút thắt”

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các phương thức vận tải. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy nhu cầu vận tải vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông. Đây là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tham dự hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tham dự hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải)

Theo dự báo nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; các quốc lộ chính yếu như: quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 51, quốc lộ 22, quốc lộc 14… nhiều đoạn đã mãn tải. Trong khi đó hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai chậm, chỉ mới đưa vào khai thác 95km/911km cao tốc theo quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng, đẩy mạnh kết nối Đông Nam bộ với các vùng lân cận, cảng biển, sân bay thì nhiệm vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Trung tâm báo chí hội nghị cung cấp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Trung tâm báo chí hội nghị cung cấp)

Theo đó, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ là khoảng 413 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km trong giai đoạn 2021-2030. 

Đối với giải pháp nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất, các tỉnh, thành trong khu vực cần tăng cường quản lý phát triển đô thị; tăng cường năng lực quản lý đô thị, tăng cường mô hình quản lý đô thị hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị. Đồng thời, trong giai đoạn đến năm 2025, cần xây dựng chương trình hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị của các đô thị loại III trở lên.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, một trong các kiến nghị tiếp tục đề xuất là có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và các bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết số 24 trên địa bàn cả vùng. Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch vùng; triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành; Biên Hòa -Vũng Tàu; Đồng Nai - Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP.HCM…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) trao đổi với đại diện các doanh  nghiệp đầu tư nước ngoài bên lề hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bên lề hội nghị

Lãnh đạo TP.HCM đề xuất hình thành Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).

Ông YOO SUN HYUNG, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai đã trình bày tham luận Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và lợi thế, tiềm năng phát triển lĩnh vực sản xuất, năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam bộ.
Lãnh đạo Công ty TNHH Hyosung Việt Nam - Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) phát biểu tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải)
Lãnh đạo Công ty TNHH Hyosung Việt Nam - Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) phát biểu tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải)

Lãnh đạo công ty chia sẻ, tại Việt Nam, Hyosung không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển kinh tế vững mạnh, Hyosung đánh giá cao tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, nhờ có sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan ban ngành địa phương như Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Hyosung đã thành công trong việc đầu tư các dự án của mình, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao bằng chất lượng và công nghệ mà lãnh đạo của Hyosung luôn nhấn mạnh. Vì vậy, Hyosung cam kết sẽ nỗ lực hết mình để chuyển giao kỹ thuật liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, góp phần vào sự phát triển năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam bộ cũng như tại Việt Nam.


Hướng tới xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế

Trong tham luận của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị về xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có nêu 5 nội dung mà tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ để phát huy lợi thế sân bay Long Thành.

Trong đó, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay Long Thành và Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm cùng với Cảng Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối, hệ thống logistics - khu vực vùng phụ cận của sân bay quốc tế Long Thành nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai cũng như của cả vùng Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, còn thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và Vùng kinh tế Đông Nam bộ theo nhiều hướng; phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghiệp; hình thành khu đô thị khu vực xung quanh sân bay để phục vụ sân bay và các hoạt động thông quan. Ngoài ra, tỉnh còn chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi nghề nghiệp nhân dân trong vùng từ khu vực nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ hiện đại. Trong đó, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều