Ngày 14-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đồng thời Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%). Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Ngày 14-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đồng thời Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%). Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai biểu quyết thông qua các luật tại hội trường. Ảnh: H.Yến |
Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459/471 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số ĐBQH). Luật gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465 ĐBQH tán thành, chiếm 93,37%.
Cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân. Đa số ý kiến của ĐBQH đánh giá việc bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hằng năm cho chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, cần có những nguyên tắc, cơ sở để định giá phù hợp, bảo đảm khách quan, minh bạch. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc, cơ sở để định giá đất phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; bổ sung nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và thực hiện giải trình; bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, giá đất gắn với không gian sử dụng đất; xây dựng tiêu chí, cách thức xác định giá đất cho từng trường hợp.
Các ĐBQH nhấn mạnh trong xác định giá đất thì phương pháp định giá đất là nội dung cốt lõi, quan trọng nhưng dự thảo Luật lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Hiện nay, theo pháp luật có 5 phương pháp định giá đất, đề nghị Chính phủ cần đánh giá vấn đề này và luật hóa vào dự thảo luật phương pháp định giá và trường hợp áp dụng, xây dựng quy trình xác định giá đất thống nhất.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần định nghĩa, giải thích về khái niệm giá trị thị trường đất đai làm căn cứ xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý, nghiên cứu, xem xét bổ sung, phân biệt khái niệm về giá cả thị trường và giá trị thị trường đất đai. Đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể. Xem xét vai trò của UBND các cấp trong định giá đất; bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định giá đất.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nội dung về giám sát của cơ quan dân cử, nhất là thiết chế HĐND ở các địa phương cho chặt chẽ hơn, như trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong giám sát việc thực hiện giá đất.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.
P.V (tổng hợp)