(ĐN) - Ngày 17-11, liên quan đến hành vi phạm tội của 74 bị cáo trong đại án xăng dầu, Viện KSND tỉnh đã tiến hành luận tội đối với các bị cáo để xác định hành vi và mức độ sai phạm của từng bị cáo trong vụ án.
(ĐN) - Ngày 17-11, liên quan đến hành vi phạm tội của 74 bị cáo trong đại án xăng dầu, Viện KSND tỉnh đã tiến hành luận tội đối với các bị cáo để xác định hành vi và mức độ sai phạm của từng bị cáo trong vụ án.
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử ngày 17-11 |
Trong đó, chủ yếu liên quan đến đường dây buôn lậu của của bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM); Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM); Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh xác định Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng xăng dầu thuộc Cục hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) gặp nhau bàn bạc việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ. Viễn đã giới thiệu chủ hàng tại Singapore cho Hữu để liên hệ mua xăng. Viễn sử dụng 2 tàu biển gồm Pacific Ocean (3 ngàn tấn) và tàu Western Sea (trọng tải 5 ngàn tấn) để chở xăng từ Singapore về 2 điểm thuộc vùng biển Việt Nam giao cho Hữu.
Từ đầu tháng 3-2020 đến đầu tháng 2-2021, Viễn và đồng phạm đã vận chuyển vào Việt Nam gần 200 triệu lít xăng (giá trị gần 2,6 ngàn tỷ đồng). Viễn Thu lợi bất chính gần 47 tỷ đồng, Hữu thu lợi hơn 156 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Viễn còn cùng Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, chủ công ty TNHH dầu khí Vượng Đạt, TP.Hải Phòng) cùng góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Đức được hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng.
Xăng sau khi về Việt Nam, Hữu sẽ đưa về bán lại cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương). Tứ mua hơn 160 triệu lít xăng, thu lợi bất chính gần 48 tỷ đồng. Còn Vân mua hơn 35 triệu lít xăng, thu lợi gần 18 tỷ đồng.
Viện KSND tỉnh luận tội các bị cáo vào ngày 17-11. |
Ngoài ra, trong bản luận tội cũng xác định rõ hành vi và số lượng xăng nhập lậu, thu lợi bất chính của các bị cáo đã giúp sức hoặc “chân rết” của Viễn, Hữu, Tứ, Vân để vận chuyển, tiêu thụ xăng nhập lậu tại thị trường Việt Nam.
Về việc chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện Viện KSND tỉnh cho biết đã thông qua các biên bản hỏi cung, sao kê tài khoản, bảng kê chi tiết số lượng xăng nhập lậu, sổ ghi chép việc nhập lậu, vận chuyển xăng, trích xuất dữ liệu điện thoại, máy tính…
Đối với việc xác định giá trị hàng phạm pháp, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh đã lấy mức giá thấp nhất trong từng thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Còn về tiền thu lợi bất chính, cơ quan điều tra căn cứ vào bảng quyết toán tiền giữa các bị cáo, lời khai của các bị cáo, một số giấy tờ, tài liệu liên quan...
Bên cạnh đó, trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi thỏa thuận góp vốn, phương thức vận chuyển, giao nhận xăng, hình thức thanh toán, tiền lợi nhuận như cáo trạng truy tố.
Đối với việc bị cáo Hữu khai hơn 67 triệu lít xăng được tiêu thụ tại Campuchia, theo đại diện Viện KSND tỉnh là không có căn cứ.
Còn việc bị cáo Viễn cho rằng, chi phí thực tế số tiền lợi nhuận là 1,5 ngàn đồng/lít nhưng qua quá trình điều tra và dựa vào bảng quyết toán tiền giữa các bị cáo thì xác định mức lợi nhuận là 2 ngàn đồng/lít xăng. Số tiền xác định mức thu lợi bất chính này theo Viện KSND tỉnh là đã đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo nên không có cơ sở để chấp nhận lời khai của bị cáo Viễn.
Tố Tâm