(ĐN) - Sáng 24-11, UBND tỉnh tổ chức buổi tọa đàm về công tác cải cách hành chính (CCHC), kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng người dân, doanh nghiệp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ chủ trì tọa đàm.
(ĐN) - Sáng 24-11, UBND tỉnh tổ chức buổi tọa đàm về công tác cải cách hành chính (CCHC), kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng người dân, doanh nghiệp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ chủ trì tọa đàm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại buổi tọa đàm |
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh luôn coi nhiệm vụ CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Điều đó được thể hiện quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng mong muốn, thông qua tọa đàm sẽ góp phần lan tỏa những kinh nghiệm quý, những cách làm hay, tinh thần sáng tạo trong công tác CCHC. Đồng thời tìm ra được những giải pháp thiết thực để thực hiện tốt công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số… góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, ngoài đề cập đến những mặt làm được, đại diện nhiều sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; đồng thời nêu kiến nghị với tỉnh để giải quyết các thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng, thuận tiện hơn. Một số đại biểu trăn trở, áp lực công việc của cán bộ công chức ngày càng tăng, phần nào ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ khi giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh biên chế của các cơ quan, đơn vị nhà nước ngày càng phải tinh giản thì phải mạnh dạn đơn giản hóa thủ tục, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4.
Các đại biểu cũng cho rằng, nhận thức về việc chuyển đổi số là cần thiết trong công tác CCHC, thế nhưng quá trình thực hiện vẫn còn chưa đồng bộ do vướng mắc các quy định giữa cách giải quyết thủ tục hành chính truyền thống với cách làm trực tuyến. Nhiều sở ngành, địa phương cho rằng, phải có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, nhất là khi thanh toán các lệ phí bằng hình thức trực tuyến. Cần kiến nghị bỏ thu phí khi thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính từ trên 5000 đồng hiện nay xuống còn 0 đồng/một lần thanh toán. Có như vậy mới khuyến khích được người dân thanh toán lệ phí trực tuyến…
Công Nghĩa