"Bị cáo tính đợi qua tết sẽ trả lại tiền nhưng chưa kịp trả thì bị bắt" - bị cáo Ngô Văn Thụy (Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam, Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan) đã khai tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng vào ngày 11-11.
“Bị cáo tính đợi qua tết sẽ trả lại tiền nhưng chưa kịp trả thì bị bắt” - bị cáo Ngô Văn Thụy (Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam, Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan) đã khai tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng vào ngày 11-11.
Bị cáo Ngô Văn Thụy tại phiên tòa xét xử sáng 11-11. Ảnh: Tố Tâm |
Liên quan đến hành vi buôn lậu của Thụy, trong phiên tòa sáng 11-11, HĐXX cũng tiến hành xét hỏi đối với “ông trùm” Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
* Tính giữ bí mật để đánh án
Bị cáo Thụy với nhiệm vụ được giao, có chức năng kiểm tra, khám xét, bắt giữ đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Cà Mau.
Qua công tác nghiệp vụ, Thụy biết các đối tượng có hành vi buôn lậu xăng về tỉnh Vĩnh Long để tiêu thụ và triển khai lực lượng bắt giữ. Khi biết được Thụy phát hiện hành vi buôn lậu nên Hữu và Tứ đã đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 830 triệu đồng.
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Thụy cho hay, vào tháng 1-2021, Thụy nhận được tin báo của quần chúng về việc có nhóm đối tượng đang buôn lậu xăng. Tuy nhiên, để đánh án thành công, bị cáo buộc phải giữ bí mật tuyệt đối. Khi xác định rõ hành vi của tội phạm thì mới báo cho lãnh đạo biết và sẽ triển khai lực lượng bắt giữ.
Tại thời điểm này, Thụy triển khai lực lượng trinh sát gần khu vực nhà nuôi yến (tỉnh Vĩnh Long) đợi tàu nhập lậu vào bắt nhưng chờ mãi không thấy tàu hàng nên đã cho rút quân. Dù không có hàng nhưng bị cáo Thụy cho rằng, rất tin tưởng vào tin báo từ cơ sở là chính xác.
“Yếu tố bí mật là yếu tố quyết định thắng lợi trong đánh án nên bị cáo đã đợi tàu nhập lậu hàng cập bờ thì mới phối hợp với các lực lượng khác triển khai lực lượng bắt giữ. Nhưng khi không thấy tàu thì bị cáo nghi ngờ thông tin triển khai lực lượng của mình đã bị rò rỉ nên giải tán lực lượng chờ thời cơ khác”- bị cáo Thụy cho hay.
Thụy cũng cho biết, với vụ việc này, bị cáo không báo cho cấp trên là do nghĩ sẽ xử lý được và cần giữ bí mật tuyệt đối vụ việc. Trước đây bị cáo cũng đã làm nhiều vụ thành công theo phương án này nên mới nghĩ càng ít người biết càng tốt nên đã giữ bí mật.
* Gặp người buôn lậu để khai thác thông tin
Thụy cũng khai nhận, vào ngày 26-1-2021, bị cáo nhận được điện thoại của Tứ xin gặp và đã đồng ý. Tứ và người tình là Trần Ngọc Thanh (47 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đến gặp để nhờ giúp cho các tàu Nhật Minh của Hữu vận chuyển xăng vào khu vực nhà nuôi yến (Vĩnh Long) nhưng Thụy không đồng ý.
“Khi Tứ gọi điện xin gặp là bị cáo biết thông tin đánh án đã bị lộ. Bị cáo gặp Tứ bởi muốn khai thác thông tin về việc ai là người làm lộ bí mật của mình. Bị cáo không hề có ý sẽ nhận hối lộ nên mới kiên quyết từ chối tiền Tứ đem cho mình”- Thụy cho hay.
Khi được hỏi tại sao gặp rồi lại không khai thác thông tin thì Tứ nói việc khai thác thông tin phải lâu dài và nhiều lần nên chỉ mới gặp lần đầu không dễ tìm hiểu thông tin này. Sau đó, Tứ đã nói Thanh bỏ phong bì có 10 ngàn USD và 1 thẻ ATM (số dư hơn 100 triệu đồng) vào hộc ghế tại phòng khách nhà Thụy. Khi ra về, Tứ có nói cho Thụy biết đã để lại tiền biếu tết Thụy.
* Biếu quà tết 500 triệu đồng
Đến ngày 29-1-2021, Hữu lại đến nhà Thụy và đem số tiền 500 triệu đồng để biếu quà tết cho đơn vị. Nhưng Thụy hỏi: “Đơn vị có làm gì được cho anh đâu mà nhận quà tết”. Sau đó, nhà Thụy có khách nên bị cáo Hữu ra về và bỏ lại tiền 500 triệu đồng gói trong bọc đen ở dưới kệ bàn.
HĐXX hỏi bị cáo Thụy: “Bị cáo có quen biết Hữu từ trước không?”. Bị cáo Thụy trả lời: “Bị cáo không biết bị cáo Hữu”. HĐXX hỏi: “Không quen biết sao lại cho đến nhà”. Bị cáo Thụy trả lời: “Do vị trí công việc của bị cáo thường xuyên có nhiều người đến xin nhờ cậy nên việc người lạ đến nhà là chuyện bình thường”. HĐXX hỏi: “Bị cáo có biết Hữu đến xin nhập xăng lậu không?”. Thụy khai: “Vào thời điểm này, bị cáo đang bắt một số vụ buôn lậu khác nên chỉ nghĩ Hữu là một trong số những người liên quan đến gặp nói chuyện chứ không biết Hữu là người buôn lậu xăng”.
Thụy cũng khai, sau khi Hữu để lại tiền thì khoảng 2-3 ngày sau Thụy mới biết. Do lúc đó cận tết nên bị cáo Thụy nghĩ sẽ để qua tết sẽ trả tiền cho Tứ và tìm hiểu Hữu là ai rồi cũng sẽ trả lại. Nhưng khi chưa kịp trả tiền, bị cáo đã bị bắt.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Thụy đồng ý với truy tố của Viện KSND tỉnh về hành vi phạm tội và xin xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình.
“Bị cáo công tác trong ngành đã 45 năm, cũng đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu khác và trong chuyên án cung đã tích cực phối hợp điều tra. Đến hôm nay bị cáo rất đau xót khi vì tiền đã để bản thân đánh mất hết tất cả. Do đó mong HĐXX xem xét giảm án”- bị cáo Thụy cho hay
Lời khai của của bị cáo Hữu và Tứ tại phiên tòa xét xử sáng 11-11 cũng phù hợp với lời khai của Thụy. Tứ khai đã nài nỉ Thụy giúp nhưng bị từ chối, đưa tiền bị cáo Thụy không nhận nên đã tự ý bỏ phong bì tại hộc bàn nhà Thụy.
Bị cáo Hữu cũng khai nhận, sau khi nhập xăng về vùng biển giáp ranh thì Tứ báo có lực lượng chống buôn lậu đang điều tra nên Hữu nói Tứ tìm mọi cách tiếp cận để xin nhập xăng lậu. Sau đó các bị cáo lần lượt đến gặp Thụy. Sau khi để lại tiền thì bị cáo Tứ báo đã an toàn nên Hữu chỉ đạo cho các tàu Nhật Minh chuyển xăng lậu vào. Đến hôm sau thì bị bắt giữ.
Do đề nghị của Viện KSND tỉnh nên HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa đến thứ 5, ngày 17-11-2022 sẽ tiếp tục phần tranh tụng của vụ án.
Tố Tâm