Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh khi chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án đầu tư công năm 2023.
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh khi chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án đầu tư công năm 2023.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc còn có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đào Văn Phước, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Đặng Minh Nguyệt, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Xuân Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
* Vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng “cản” giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 13,6 ngàn tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-1-2023, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân hơn 10,1 ngàn tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch. Tuy nhiên, nếu tính cả nguồn vốn Trung ương thưởng vượt thu năm 2021 là 1 ngàn tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 đạt gần 68% kế hoạch.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 12,9 ngàn tỷ đồng. Tính đến ngày 28-2, tỉnh đã giải ngân hơn 490 tỷ đồng, đạt gần 4% kế hoạch năm.
Với công tác giải phóng mặt bằng, theo Sở TN-MT, những vướng mắc trong công tác này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Bên cạnh đó, còn do số lượng các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh rất nhiều, diện tích đất cần thu hồi lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân.
Tính từ năm 2007-2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,3 ngàn dự án đầu tư được triển khai thực hiện. Tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai các dự án là gần 18 ngàn ha với hơn 60 ngàn trường hợp bị ảnh hưởng trong quá trình thu hồi đất. Tổng nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh giai đoạn này hơn 20 ngàn tỷ đồng.
* Lựa chọn những đơn vị có năng lực và minh bạch trong đầu tư công
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã chỉ ra các nguyên nhân khiến cho công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm cũng như đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tiến độ thời gian tới.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, phải quan tâm đến các vấn đề chính gồm: chính sách phải hợp lý; đất bố trí tái định cư phải đủ; dự án và vốn cho công tác tái định cư phải tương xứng. Đồng thời, tỉnh phải ưu tiên thực hiện trước các khu dự án tái định cư để bố trí cho người bị thu hồi đất.
Ngoài ra, tỉnh phải thẩm định kỹ năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu để lựa chọn những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án và minh bạch trong đầu tư công.
“Quan điểm là minh bạch đầu tư công. Dự án nào có càng nhiều nhà thầu muốn tham gia càng tốt. Nhà thầu làm tốt thì cho làm, không tốt thì nói thẳng, không hứa hẹn. Phải chọn nhà thầu tốt nhất” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Về phía các đoàn thể phối hợp các sở, ngành, địa phương vận động người dân có đất bị thu hồi, nhận bồi thường và giao đất cho chủ đầu tư thi công dự án. Khi phát sinh khiếu nại của người dân liên quan đến bồi thường, tái định cư, thu hồi đất đai các cơ quan liên quan phải nhanh chóng đối thoại với người dân tìm cách tháo gỡ.
Phạm Tùng