Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu đề nghị bổ sung các bài học kinh nghiệm chống dịch vào nghị quyết của Quốc hội

04:05, 29/05/2023

(ĐN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 29-5 để thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

 

(ĐN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 29-5 để thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường vào ngày 29-5. Ảnh: HẢI YẾN
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường vào ngày 29-5. Ảnh: HẢI YẾN

Trong đó, những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch là vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách

Theo báo cáo của Đoàn giám sát trình bày tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến ngày 31-12-2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 189 ngàn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ trên 47 ngàn tỷ đồng.

Cần cân bằng giữa xây và chống

Theo các ĐBQH, dịch bệnh Covid-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành Y tế. Thực tế có thất thoát trong huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch. Việc quản lý nguồn lực còn có nhiều điểm nghẽn trong sử dụng…

Trong báo cáo của Đoàn giám sát cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa xây và chống. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành Y tế mạnh hơn để có thể chống dịch ngay lúc đó và về sau này. 

Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 ngàn tỷ đồng. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều; trong đó, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 ngàn tỷ đồng.

Hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, cần xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực…

Dịch Covid-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đã đề cập đến những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như: nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.

Đại biểu nêu ý kiến: “Tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội”.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, dịch Covid-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ…

Do vậy, theo đại biểu, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Tri ân các quốc gia, cá nhân, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam chống dịch 

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đánh giá cao và đồng tình với báo cáo kết quả giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và dự thảo nghị quyết của Đoàn giám sát trình Quốc hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 29-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 29-5. Ảnh: HẢI YẾN

Đại biểu nhấn mạnh, đây không chỉ là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội mà có ý nghĩa như cuộc tổng kết mang tính chiến lược để rút ra những bài học kinh nghiệm, dự liệu cho những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai. 

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, trong giám sát, vấn đề trách nhiệm luôn được đề cao. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục xác định, cụ thể hóa các chủ trương đã được Quốc hội yêu cầu tại Nghị quyết 80 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024.

“Cần có đánh giá một cách công tâm, thấu tình, đạt lý đối với các sai phạm, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu chống dịch” - đại biểu An nhấn mạnh.

Đồng thời đại biểu đề nghị bổ sung vào nghị quyết của Quốc hội các bài học kinh nghiệm đã được khái quát 6 từ nhóm bài học kinh nghiệm nêu trong báo cáo.

Về ngoại giao vaccine, đại biểu đề nghị bổ sung việc tri ân các quốc gia, cá nhân, tổ chức quốc tế đã quan tâm, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong công tác chống dịch; làm rõ hơn vai trò của các lực lượng tham gia chống dịch.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều