(ĐN) - Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã điều trị nhiều bệnh nhân bị uốn ván, đa phần đều rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
(ĐN) - Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã điều trị nhiều bệnh nhân bị uốn ván, đa phần đều rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám cho bệnh nhân điều trị uốn ván nặng |
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân uốn ván nặng. Trung bình 1 tháng có khoảng 3-4 ca. Bệnh nhân phần lớn nhập viện trong tình trạng khó thở, gồng cứng cơ, co thắt, co giật… Đây là những biểu hiện điển hình của ca uốn ván nặng.
Bà D.T.T., ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán cho hay, chồng bà giẫm phải gai khi đang đi làm rẫy và bị sưng tấy, có mủ. 5 ngày sau, chồng bà T. lên cơn co giật, gia đình đưa vào cấp cứu và nhập viện điều trị.
“Tôi không biết là chồng mình khi giẫm phải gai cần đi chích vaccine. Không ngờ bệnh lại nặng như vậy” - bà T. nói.
BS Đoàn Quốc Duy, Phụ trách Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, các ca đang điều trị uốn ván tại khoa đều trong tình trạng nặng. Có những bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy và dùng thuốc an thần giãn cơ cả tháng.
Ngoài điều trị uốn ván, bệnh nhân còn đối mặt với nhiều biến chứng và các bệnh kèm theo. Do đó, thời gian điều trị 1 ca uốn ván sẽ kéo dài, từ 1 tháng hoặc hơn.
Theo BS Duy, bệnh uốn ván là bệnh nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh khó lường. Các ca bệnh nặng, thời gian điều trị dài nên chi phí chữa trị cũng cao. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
“Khi có vết thương, nhất là tiếp xúc với môi trường dơ hoặc vết thương rộng, dập nát, nhiều ngóc ngách cần rửa sạch và đến bệnh viện sớm để chữa trị. Khi đó, các bác sĩ sẽ tiêm huyết thanh, hạn chế biến chứng nặng” - BS Duy khuyến cáo.
BS Duy cho hay, uốn ván là bệnh nguy hiểm, có thể mắc chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động.
Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng uốn ván đó chính là tiêm ngừa vaccine uốn ván. Trong đó, người lớn chỉ cần tiêm 3 mũi, sau đó tiêm nhắc trong 5-10 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ngừa uốn ván ở người trong độ tuổi lao động - đối tượng nguy cơ cao mắc uốn ván vẫn còn thấp bởi người dân chưa được tuyên truyền và chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh.
Bích Nhàn