Đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá hay, bám sát thực tế cuộc sống.
Đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá hay, bám sát thực tế cuộc sống.
Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 |
Báo Đồng Nai ghi nhận gợi ý giải đề thi Ngữ văn.
* Phần đọc hiểu
Câu 1: Thể thơ của đoạn trích: tự do
Câu 2: Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè gồm: “tiếng sấm”, “gió”, “cát”, “lá”, “đá”
Câu 3: Phép so sánh: “mưa ròng ròng” với “triệu ngón tay” có tác dụng tăng sức gợi hình, gợi cảm cho hình ảnh thơ, tăng tính sinh động, giúp người đọc hình dung một cách cụ thể hơn về hình ảnh cơn “mưa ròng ròng”
Qua đó, tác giả muốn gợi lại những cảm giác, những ký ức xa xưa về thời thơ ấu của mình
Câu 4: Trước hết, cụm từ “cơn giông cuộc đời” được hiểu là những khó khăn, thử thách, gian nan, thậm chí là biến cố mà bất cứ người nào cũng sẽ gặp trong đời
Vậy thì khi đối mặt với những biến cố, gian khó ấy, mỗi chúng ta cần phải:
- Thứ nhất, học cách chấp nhận đó là điều bình thường, là lẽ đương nhiên của cuộc sống và tìm ra những giải pháp, cách thức để vượt qua những gian khó ấy. Tất nhiên ta có thể thất bại nhưng đừng để thất bại đánh gục ý chí, đừng buông bỏ và đầu hàng trước số phận, mà ngược lại, ta phải tìm mọi cách để vượt qua chúng. Có như vậy thì ta mới có thể đón được những tia nắng ấm áp - những ánh sáng của sự thành công, của những thành quả mà ta gặt hái được sau khi bước qua “giông bão” của cuộc đời
- Thứ hai, rèn luyện tinh thần tự lập trong gian khó bằng cách giữ trạng thái bình tĩnh và suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra quyết định để giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Không được nóng vội vì khi ta để cảm xúc lấn át toàn bộ thì ta sẽ khó có thể nghĩ ra được hướng tốt nhất để vượt qua những cơn giông ấy
* Phần làm văn
Câu 1: (đoạn văn nghị luận xã hội)
Thí sinh cần chú ý xác định đúng trọng tâm của đề bài: sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc. (Cần phối hợp đa dạng các thao tác lập luận nếu muốn điểm cao. Thí sinh có thể trả lời theo nhiều cách, nhiều quan điểm khác nhau nhưng phải lý giải thật sự thuyết phục)
- Giải thích theo nguyên tắc từ ý nhỏ đến ý lớn: Cảm xúc là gì? Cân bằng cảm xúc là gì?
- Phân tích thẳng vấn đề: Người có khả năng cân bằng cảm xúc là người như thế nào? Họ sẽ nhận được gì? Họ không bị gì?…
- Bình luận về ý nghĩa của việc biết cân bằng cảm xúc: giúp ta bình tĩnh khi xử lý vấn đề; tự tin để vượt qua nhiều tình cảnh khác nhau
- Chứng minh bằng ví dụ về câu chuyện thực tế/câu nói nổi tiếng,… miễn sao có tính khách quan và thuyết phục
- So sánh với những người dễ bị cảm xúc chi phối, họ sẽ bị gì? (tuy nhiên chỉ viết tối đa 1-2 câu, tránh bàn quá sâu vì sẽ bị xa đề và bài làm biến thành bài văn thu nhỏ)
- Khi liên hệ bản thân phải rút ra bài học thực tế, tránh những cách diễn đạt chung chung
- Biết phối hợp nhiều thao tác lập luận và thể hiện được tính sáng tạo thì đoạn văn chắc chắn đạt điểm rất cao
Câu 2: Nghị luận văn học
1. Mở bài: Giới thiệu đôi nét về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt; Dẫn dắt vào trích thơ đề bài yêu cầu.
2. Thân bài:
a - Giới thiệu chung: Tác giả; Tác phẩm, đoạn trích
+ Kim Lân - nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX
+ Kim Lân khai thác sâu sắc và tinh anh những số phận người nông dân, những nét hồn cốt của đời sống họ.
+ Vợ Nhặt, trích trong tập “Con chó xấu xí”, được coi là là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân và cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi VN hiện đại. Thiên truyện không hề giản đơn là một tác phẩm tố cáo nạn đói 1945, không giản đơn là kể một chuyện “nhặt vợ” ngộ nghĩnh.
Trái lại nó là một tác phẩm đầy lòng thương yêu trân trọng và tin tưởng vào tất cả những gì tốt đẹp ở con người, mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới, là kết quả của cả môt quá trình gọt giũa, suy ngẫm về cả nội dung, nghệ thuật.
b- Phân tích:
- Mở đầu là hình ảnh cuộc sống vẫn một màu xám xịt, đầy đe dọa và chết chóc.
- Hồi trống dồn dập, vội vã. âm thanh ám ảnh, gánh nặng sưu thuế đã tàn phá biết bao gia đình, kéo cong tấm lưng, vùi lấp số phận của biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh.
Liên hệ: một số tác phẩm cùng thời với cùng chủ đề phản ánh nỗi đau của người nông dân dưới chế độ sưu thuế.
- Đàn quạ "bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen" một hình ảnh mang tính biểu tượng cho cái đói, cái chết, cho tử khí.
- Bà cụ Tứ buông lời nghẹn ngào “không chắc đã sống qua được đâu các con ạ". Chính vì những chính sách dã man ấy, bà cụ Tứ bị mất chồng và mất con gái, phải tha hương cầu thực trong danh phận dân ngụ cư đầy chua xót. Cho nên, khi nghe tiếng trống thúc thuế, lòng người mẹ già nua từng trải lại nhói đau thương, nỗi đau se sắt, quặn thắt lại.
- "Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lẩm bẩm - Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?". Thị hoàn toàn ngạc nhiên, bởi "cuộc đời cơm vãi cơm rơi", "tối đâu là nhà ngã đâu là giường" đã đem cho thị những trải nghiệm sâu sắc.
- Thị đã băn khoăn và không ngần ngại kể cho mọi người nghe về đoàn người Việt Minh "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy".
=> Thị đã nghe đoàn người Việt Minh đã phá kho thóc Nhật chia cho người đói, người nông dân không còn phải đóng thuế, thực tại ở đây hoàn toàn khác với những gì thị đã biết.
=> Nó như một luồng gió mới "lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối" bị dồn đến cùng đường của Tràng.
- Tràng thầm nhớ tới cái hình ảnh "cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp" rồi hắn tự nhiên thấy "tiếc rẻ vẩn vơ", càng tiếc rẻ bao nhiêu chắc chắn Tràng lại càng chắc mẩm nếu Tràng gặp lại họ, Tràng sẽ không bỏ lỡ cơ hội.
Bởi đi theo đoàn người Việt Minh là đi theo cách mạng, là hướng tới cơm áo, hướng tới sự sống. Khi nghe xong câu chuyện của Thị, Tràng tiếc rẻ vẩn vơ khó hiểu, tiếng trống lại một hồi vang lên dồn dập. Anh hiểu rằng chỉ có đi theo Việt Minh mới có cơ hội thoát khỏi cái đói, cái chết cận kề, mới có cơ hội bảo vệ hạnh phúc gia đình mình.
- "Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới". Hình ảnh kết thúc này tươi rói trong màu đỏ sao vàng, trong hình ảnh những người nông dân vùng lên hăm hở đi phá kho thóc Nhật. Nó tươi rói lên niềm tin, niềm hi vọng của Tràng, của những nạn nhân khốn khổ của nạn đói năm 1945.
- Đánh giá nghệ thuật:
+ Tình huống truyện độc đáo, éo le,
+ Xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn,
+ Ngôn ngữ quê kiểng nhưng sử dụng rất đắc địa, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.
- Quan niệm nhà văn Kim Lân về cuộc sống:
+ Truyện được mở ra một âm hưởng lạc quan và niềm tin tất thắng. Qua cách kết thúc truyện này ta còn biết rõ hơn về một nhà văn nhân đạo và tha thiết với con người là Kim Lân.
+ Đoạn kết rất đặc sắc khi tạo ra kết thúc mở, trong đoạn văn ánh lên niềm khao khát giữ gìn hạnh phúc mỏng manh của Tràng và thị.
Góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện: Thông qua số phận con người trong nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân khẳng định trong cái đói, cái khát, cái chết cận kề con người ta vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vẫn hướng đến sự sống khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.
- Kết thúc đã thể hiện niềm tin, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của người nông dân dưới sự soi rọi của ánh sáng cách mạng. Đây là điểm sáng nhân văn, thứ ánh sáng cách mạng đủ sức nâng giấc cho những con người cùng đường tuyệt lộ.
Liên hệ: Trong “Vợ nhặt” các nhân vật của Kim Lân đã tìm thấy con đường để giải thoát để có một cuộc sống của niềm hy vọng. Tuy nhiên ta cũng từng nhớ đến một Chí Phèo đã chết trên con đường trở về với lương thiện, một Chị Dậu phải bán con, bán chó, bán sữa của mình để trả sưu thuế, “hai đứa trẻ" của Thạch Lam luôn phải mong ngóng đoàn tàu đi qua để thấy một cuộc sống đáng sống hơn
3. Kết bài: Khẳng định giá trị của đoạn thơ và quan điểm của Kim Lân về cuộc sống; Cảm nghĩ của bản thân
Hải Yến (tổng hợp)