Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãng phí về niềm tin nguy hiểm hơn lãng phí vật chất, tiền bạc

07:06, 01/06/2023

(ĐN) - Chiều 1-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

(ĐN) - Chiều 1-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. 

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV vào ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV vào ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, ban hành văn bản. 

Khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn

Thảo luận tại hội trường, các nội dung về điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều hành ngân sách được nhiều ĐBQH quan tâm. 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, với thời gian 2 năm (2022-2023) theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và tiến độ giải ngân như hiện nay rất khó cho các địa phương đến cuối năm có thể thực hiện xong các chương trình, dự án, nhất là các địa phương được giao vốn trong năm 2023. 

Ngày mai, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu kiến nghị, đối với các địa phương được giao vốn trong năm 2023, Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2024-2025, đồng thời kiến nghị có sự điều tiết linh hoạt giữa 2 chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình đầu tư công trung hạn 2020-2025 vì thời gian thực hiện của hai chương trình gần nhau, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, đầu tư công là động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư toàn xã hội. 

Theo đại biểu, chúng ta có thể điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn trong đầu tư công, điều chuyển linh hoạt giữa trung ương và địa phương, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực hiện có.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Công Long đề xuất, thời gian tới có những nội dung về ngân sách địa phương thì giao cho Chính phủ điều tiết từ ngân sách từ trung ương hoặc điều tiết chuyển đổi giữa các địa phương, tạo hiệu ứng phát triển.

Nhiều dự án không thể đưa vào hoạt động gây thiệt hại lớn và lãng phí

Cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả thực hành thiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn ĐBHQ tỉnh Hưng Yên) nhận thấy, báo cáo mới chủ yếu tập trung tổng hợp, đánh giá công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công là chính; còn trong lĩnh vực tư có đề cập nhưng còn khiêm tốn, chưa đầy đủ, chưa thấy được thực trạng những khó khăn, hạn chế cũng như đề ra được giải pháp khắc phục.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, còn khó khăn, chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án. Nhiều dự án đang hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được, dẫn đến gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại biểu bày tỏ quan điểm ở đây không chỉ lo lắng về lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin, ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác. 

Liên quan đến lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu chỉ ra rằng, tình hình công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa kịp thời.

Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế. 

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc tồn đọng, khó xử lý

Trước đó, sáng 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN
Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ngày 1-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, có 2 lý do khiến mặt bằng lãi suất cao hơn.

Đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước, lạm phát bình quân vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Do đó, việc điều hành không thể chủ quan với lạm phát.

Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, kết quả vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá như thế nào là có khả năng phục hồi.

Trước tình hình đó, Chính phủ trình Quốc hội để chuyển nguồn này (khoảng 24 ngàn tỷ đồng) cho giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Với gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đây là gói thực hiện đến năm 2030. Nguồn vốn do chính 4 ngân hàng thương mại nhà nước huy động, lãi suất giảm từ 1,5-2% cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất. Bộ Xây dựng đã có các hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương để công bố danh mục dự án.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc tồn đọng, khó xử lý, “trong điều kiện bình thường đã khó và trong điều kiện khó khăn thì càng khó hơn”. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu tiến hành nhiều giải pháp.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều